Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày nước thế giới 22-3: Nước ngọt - tài nguyên quý!

09:03, 21/03/2012

Ngày 22-3 là ngày toàn cầu hưởng ứng Ngày nước thế giới. Mục đích của ngày này là kêu gọi sự quan tâm của thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước. Tình trạng khủng hoảng nguồn nước chắc chắn sẽ được cải thiện, nếu mỗi người dân thay đổi thói quen sử dụng nước.

Ngày 22-3 là ngày toàn cầu hưởng ứng Ngày nước thế giới. Mục đích của ngày này là kêu gọi sự quan tâm của thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước. Tình trạng khủng hoảng nguồn nước chắc chắn sẽ được cải thiện, nếu mỗi người dân thay đổi thói quen sử dụng nước.

Những năm gần đây, vào mùa khô, mực nước hồ Trị An  giảm mạnh. Ảnh: Đ.D
Những năm gần đây, vào mùa khô, mực nước hồ Trị An giảm mạnh. Ảnh: Đ.D

Khoảng 5 năm trở lại đây, thời tiết trên địa bàn tỉnh khá bất thường. Mưa lớn tập trung vào một thời điểm ngắn nên mực nước trên các sông, suối và nước ngầm sụt giảm khiến mặn xâm nhập vào sông Đồng Nai tăng lên rõ rệt, nhất là vào cao điểm từ tháng 3-5 hàng năm. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do mưa ở thượng nguồn ít, vì vậy không đủ nước chảy về hạ lưu để đẩy mặn. Vào cao điểm nắng hạn, độ mặn ở một số đoạn sông tăng từ 2-10 lần so với đầu mùa. Đáng kể là mùa khô, tại các huyện vùng cao, như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và TX. Long Khánh, nước ngầm sụt giảm từ 0,5- 2m.

* Nguy cơ thiếu nước ngọt

Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thực tế đã chứng minh là thời gian qua, thời tiết trong nước cũng như ở Đồng Nai có nhiều bất ổn. Cụ thể, mùa khô kéo dài, mùa mưa đến trễ, lượng mưa suy giảm hoặc tăng bất thường. Vì thế, những năm gần đây, dòng chảy sông Đồng Nai và một số con sông lớn khác trong cả nước  giảm sút gây thiếu nước ngọt vào mùa khô. Theo Cục Tài nguyên nước, tổng lượng nước mặt phát sinh và chảy qua lãnh thổ nước ta khoảng 830 tỷ m3/năm, trong đó cả nước sử dụng gần 81 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, lượng nước phân bổ không đều nên vào mùa khô có 2/3 lưu vực sông bị khai thác ở mức căng thẳng. Sông Đồng Nai là một trong 6 sông được sử dụng tối đa. Đó là chưa kể đến việc các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Đồng Nai chặn dòng, càng làm cho nước ở hạ lưu các sông, hồ trên địa bàn giảm mạnh.

Đáng kể là vào mùa nắng nóng, ở các xã vùng cao của tỉnh: Ngọc Định, La Ngà, Phú Ngọc (Định Quán); Xuân Trường, Xuân Bắc (Xuân Lộc)..., nước ngầm tại các giếng khoan sụt giảm từ 0,5-2m khiến hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo, nếu năm 2050, diễn tiến của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng 0,5m thì Đồng Nai sẽ bị ngập một phần của huyện Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa. Cụ thể, Nhơn Trạch sẽ bị ngập khoảng 2 ngàn hécta ở khu vực gần đê Ông Kèo. Còn tại Biên Hòa, những vùng trũng gần sông sẽ bị ngập theo thủy triều lên xuống. Nước biển dâng sẽ làm nhiều vùng trong tỉnh bị mặn lấn sâu. Do đó, nguy cơ thiếu nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất sẽ ngày càng cao.

* Bảo vệ nguồn nước

Hiện nay, bảo vệ nguồn nước ngọt được cả thế giới quan tâm, vì biến đổi khí hậu làm băng tan, nước biển dâng, nguồn nước trên các sông, suối và tầng ngầm sẽ bị thu hẹp. Thiếu nước, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực và đời sống của người dân. Chính vì vậy, chủ đề của Ngày nước thế giới năm 2012 có nội dung: “Nước và an ninh lương thực”.

Ý thức được tầm quan trọng của tài nguyên nước, thời gian qua tỉnh đã phối hợp với các địa phương vận động người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Cụ thể, trám lấp những giếng bỏ hoang, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang bắp, rau, đậu để giảm lượng nước tưới và tăng thu nhập. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, bằng cách: tưới nhỏ giọt, tưới phun cho cây trồng lâu năm và ngắn ngày nhằm tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới so với phương pháp truyền thống. Song song với các biện pháp trên thì Đồng Nai cũng “mạnh tay” hơn trong việc quản lý nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất ra sông, suối trên địa bàn. Hiện 19/21 khu công nghiệp đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Một số doanh nghiệp cố tình xả thải gây ô nhiễm nguồn nước đã buộc ngưng hoạt động để khắc phục. Ngoài ra, tỉnh còn quy định những nơi có hệ thống nước máy, người dân không được sử dụng nước ngầm. Thời gian gần đây, các dự án đầu tư vào Đồng Nai có nguy cơ gây ô nhiễm cao cho nguồn nước, đều bị từ chối.

Hệ thống tưới phun cho cây ngắn ngày ở xã Xuân Bắc (Xuân Lộc) giảm một nửa lượng nước.                                       Ảnh: H.Giang
Hệ thống tưới phun cho cây ngắn ngày ở xã Xuân Bắc (Xuân Lộc) giảm một nửa lượng nước. Ảnh: H.Giang

Giải pháp tiết kiệm nguồn nước tướI

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4 ngàn hécta cây trồng đã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt này, nông dân sẽ hạn chế được 40-50% lượng nước tưới cho cây trồng. Đồng Nai có trên 300 ngàn hécta cây trồng, chỉ cần 1/4 diện tích được nông dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm thì nguồn nước ngọt hàng năm giảm được hàng chục triệu m3. Bên cạnh đó, trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi người dân chú ý sử dụng nước tiết kiệm thì nguy cơ thiếu nước ngọt trong tương lai sẽ bớt nghiêm trọng.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều