Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân làm thuốc trừ sâu

08:03, 07/03/2012

Chỉ cần vài ký gạo, bỏ ra một ít thời gian là chủ ruộng có được một sản phẩm thuốc trừ sâu (TTS) sinh học để xịt chống sâu, rầy cho lúa. Đặc biệt là giá thành sản phẩm rẻ đến bất ngờ.

Chỉ cần vài ký gạo, bỏ ra một ít thời gian là chủ ruộng có được một sản phẩm thuốc trừ sâu (TTS) sinh học để xịt chống sâu, rầy cho lúa. Đặc biệt là giá thành sản phẩm rẻ đến bất ngờ.

Cầm bịch thuốc sâu sinh học trên tay, ông Võ Tấn Kìa ở ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu khoe: “Xịt loại TTS này  thì cứ vô tư, không lo bị nhiễm độc. Sau này gạo mình ăn cũng không sợ tồn dư chất hóa học. Khu vực chúng tôi hiện có cánh đồng lúa sạch rộng 20 hécta”.

* Thuốc trừ sâu không độc hại

Đây là vụ thứ hai ông Kìa tham gia vào nhóm tự sản xuất TTS sinh học (còn gọi là nấm xanh). Với 5 sào ruộng, mỗi vụ ông chỉ tốn khoảng 100 ngàn đồng tiền nguyên liệu (nấm gốc và gạo) để sản xuất, rẻ bằng 1/6 so với dùng thuốc hóa học mà trước đây ông phải sử dụng.

Ông Kìa với bịch thuốc trừ sâu sinh học do ông tự làm. Ảnh: V. NAM
Ông Kìa với bịch thuốc trừ sâu sinh học do ông tự làm. Ảnh: V. NAM

Bắt đầu từ vụ mùa năm 2011, có 10 hộ nông dân ở đây được Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) hướng dẫn sản xuất loại TTS này để xịt cho 10 hécta lúa. Thấy hiệu quả, vụ đông - xuân 2011-2012, số hộ tham gia vào nhóm sản xuất thuốc sâu tăng lên gần 20 hộ, diện tích lúa dùng TTS sinh học cũng tăng lên gấp đôi. Vào ngày sản xuất thuốc thì gần 20 người tập hợp lại vui như hội để cùng “chế tác”  TTS. Việc sản xuất nấm khá đơn giản, gạo đem ngâm khoảng 1 giờ bằng nước sạch sau đó vớt ra để ráo và cho vô bịch (nửa ký/bịch) rồi bỏ vào nồi hấp 2 giờ. Khi gạo chín, lấy ra để nguội, tiếp đến cho nấm gốc vào buộc kín bịch và đem để ở nơi thoáng mát. Mỗi ngày đảo bịch gạo một lần để cho nấm phát triển đều, sau 14 ngày đem sử dụng. Mỗi bịch gạo TTS pha được 64 lít nước. Mỗi vụ lúa xịt làm 2 lần vào lúc lúa 25 - 30 ngày và 45 - 50 ngày sau khi sạ.  

Theo các nhà khoa học, TTS sinh học chính là nấm  Metarhizium (nấm xanh). Khi xịt bảo vệ lúa, các bào tử nấm sẽ bám và mọc trong cơ thể các loại sâu, rầy, bọ xít, bọ rùa... hút chất dinh dưỡng làm cho côn trùng chết. Do đó, để ruộng lúa sử dụng nấm xanh diệt sâu rầy có hiệu quả cao thì các chân ruộng cần được rải vôi nhằm xử lý phèn và diệt các mầm sâu bệnh. Nếu trồng loại lúa giống kháng sâu bệnh, trước khi sạ nên ngâm bằng nước muối làm sạch hạt giống. Cũng cần bón lót để lúa khỏe và mau đẻ nhánh hơn, đây là điều kiện tốt cho giai đoạn xịt nấm cho lúa.

TTS sinh học là sản phẩm nghiên cứu của Trường đại học Cần Thơ và đang được nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng rộng rãi. Tại Đồng Nai, từ vụ mùa năm 2011, chương trình này mới được Chi cục BVTV tỉnh triển khai 9 điểm ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu. Vụ đông - xuân  2011-2012 toàn tỉnh có khoảng 100 hécta lúa sử dụng loại TTS sinh học. Những cánh đồng lúa này được xem là vùng sản xuất “sạch”.

* Làm sao nhân rộng mô hình sản xuất thuốc trừ sâu?

Mặc dù việc sản xuất TTS sinh học bằng nấm xanh khá đơn giản, các hộ nông dân có thể tự làm được, nhưng để tìm được nguồn nấm gốc lại không dễ. Thời gian qua, nông dân muốn làm TTS phải thông qua Chi cục BVTV đặt trước 15 ngày tại Trường đại học Cần Thơ. Tính ra, thời gian chờ đợi phải mất khoảng 1 tháng nên khó chủ động việc phòng trừ sâu bệnh. Thạc sĩ Trần Thị Phương Chi, cán bộ kỹ thuật của Chi cục BVTV cho biết, ở nhiều tỉnh miền Tây, các Sở Khoa học - công nghệ đến Trường đại học Cần Thơ nhận chuyển giao công nghệ sản xuất nấm gốc để về sản xuất rồi cung cấp cho nông dân tỉnh mình. Mỗi đĩa nấm gốc hiện có giá 50 ngàn đồng, có thể xịt cho 1 hécta lúa. Đây là hiệu quả thấy rõ trong quá trình sản xuất lúa sạch nhưng nông dân trong tỉnh không thể tự liên hệ mua được nên là điều bất tiện.

Nông dân ấp Bình Lục, xã Tân Bình đang sản xuất thuốc trừ sâu sinh học.    Ảnh: V. NAM
Nông dân ấp Bình Lục, xã Tân Bình đang sản xuất thuốc trừ sâu sinh học. Ảnh: V. NAM

Theo chị Chi, việc sử dụng loại nấm xanh này để khống chế sâu rầy trên các cánh đồng là cần thiết bởi rất an toàn và hiệu quả cao. Do đó, mô hình này cần được nhân rộng ra sao là điều cơ quan chức năng phải tính đến.

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều