Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi có lợi cho hàng Việt. Tuy nhiên, hàng Việt có thương hiệu vẫn “lép vế” tại các chợ truyền thống. Việc đưa hàng Việt vào chợ là một trong những ưu tiên trong chương trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2012.
Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi có lợi cho hàng Việt. Tuy nhiên, hàng Việt có thương hiệu vẫn “lép vế” tại các chợ truyền thống. Việc đưa hàng Việt vào chợ là một trong những ưu tiên trong chương trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2012.
Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, không ai có thể quảng bá cho hàng Việt tốt hơn tiểu thương. Họ tiếp xúc trực tiếp nên hiểu tâm lý người mua, được khách tin tưởng nhờ tư vấn khi chọn sản phẩm. Họ sẽ là trợ thủ đắc lực tuyên truyền cho hàng Việt. Cuộc vận động phải làm sao kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp (DN) và tiểu thương để cùng tích cực quảng bá, tuyên truyền cho hàng Việt.
* Hàng Việt vẫn khó vào chợ
15 năm liền Công ty CP Bibica luôn được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, trung bình, doanh số tăng khoảng 30%/năm. Sự phát triển tốt là tín hiệu vui cho thấy sự ủng hộ của người tiêu dùng với sản phẩm của Bibica nói riêng và hàng Việt chất lượng cao nói chung. Hàng Việt ngày càng cạnh tranh tốt với hàng nhập giá rẻ, nhất là thực phẩm có nguồn gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, kênh phân phối qua các chợ truyền thống của Bibica chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 20% trên tổng sản lượng sản xuất.
Tiểu thương chợ Tân Mai tham gia trưng bày sản phẩm hàng Việt chất lượng cao. Ảnh: B. NGUYÊN |
Chị Chín Hiệp, tiểu thương tại chợ Tân Phong (Biên Hòa) cho biết, hàng Trung Quốc len lỏi khắp các chợ thành thị, nông thôn không chỉ nhờ lợi thế giá rẻ mà còn vì lúc nào cũng có người chào hàng tận nơi, cần bao nhiêu cũng có mà không phải cam kết, ràng buộc gì. Trong khi nhiều DN Việt chưa có cơ chế phân phối hàng linh động đáp ứng kịp yêu cầu tiểu thương tại chợ.
Đồng quan điểm trên, ông Châu Minh Nguyện nhận xét, DN Việt còn yếu ở khâu tổ chức mạng lưới phân phối. Hàng Việt đến tay người tiêu dùng vẫn phải qua nhiều khâu trung gian. Có thể học tập cách làm của Công ty Ajinomoto VN, DN sản xuất trực tiếp đưa hàng tận tay tiểu thương ở chợ, quy định cụ thể và giám sát giá bán lẻ trên thị trường.
* Thời cơ cho doanh nghiệp
Ông Đặng Chí Hùng, Phó giám đốc kinh doanh Công ty CP nhôm Kim Hằng khẳng định, ngày nay, người tiêu dùng nông thôn sẵn sàng bỏ chi phí cao để mua hàng Việt chất lượng thay vì hàng không rõ nguồn gốc giá rẻ. Đây là điều kiện thuận lợi để DN mở rộng kênh tiêu thụ tại các chợ truyền thống. Tuy siêu thị, các trung tâm thương mại xuất hiện ngày càng nhiều nhưng cũng không vươn tới được vùng nông thôn. Sản phẩm của DN chắc chắn phải thông qua tiểu thương để đưa hàng đến người tiêu dùng ở huyện, xã. Kim Hằng luôn xác định tiểu thương là thành phần quan trọng trong khâu phân phối hàng hóa.
Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bibica cũng xác nhận, vai trò của tiểu thương, người bán lẻ rất quan trọng trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Phía DN phải hiểu mục tiêu của tiểu thương là lợi nhuận để có những chính sách phù hợp khi đưa hàng qua các kênh phân phối truyền thống này. Ngoài ra, đầu tư cải tiến chất lượng, đa dạng sản phẩm, giá thành hợp lý cũng là cách thuyết phục người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt. |
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thu Vân, tiểu thương tại chợ Long Thành chia sẻ, người tiêu dùng giờ chỉ thích mua hàng Việt. Họ không còn quá sính sản phẩm ngoại mà ưu tiên mua hàng Việt có thương hiệu. Bà Vân dẫn chứng, giá sữa ngoại quá cao nên mấy đứa cháu của bà đều chuyển qua sử dụng sữa nội. Và, nhiều khách hàng đã thay đổi thói quen tiêu dùng, họ chọn sữa nội sau khi được tư vấn vì thấy hàng sản xuất trong nước chất lượng tốt với giá thành hợp túi tiền hơn.
“Tiểu thương chuyển biến rất tích cực về ý thức bán hàng. Hiện họ không chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà rất chủ động tìm hiểu thông tin sản phẩm, đòi hỏi DN chứng minh nguồn gốc, cam kết về chất lượng. Kênh bán hàng qua chợ truyền thống ngày càng được DN quan tâm, chăm sóc vì tiểu thương không chỉ là người bán hàng, họ còn là đối tượng quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả, thuyết phục nhất đến người tiêu dùng” - ông Hùng nói.
Chính vì vậy, nhiều DN ngày càng quan tâm và có nhiều chính sách ưu đãi dành cho tiểu thương: trả chi phí trưng bày, hỗ trợ vốn thông qua hình thức gối đầu, trả chậm khi mua sản phẩm. Ngoài ra, DN có các hoạt động khuyến mãi, thưởng theo doanh số bán hàng, mức chiết khấu hấp dẫn cho tiểu thương.
Bình Nguyên