Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩm Mỹ sau cơn bão

10:04, 06/04/2012

Sau cơn bão số 1, huyện Cẩm Mỹ là địa phương có diện tích cây trồng bị thiệt hại nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Nhiều vườn cây lâu năm bị tróc gốc, nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh trắng tay, bởi họ đã bỏ rất nhiều vốn để đầu tư trong nhiều năm…

Sau cơn bão số 1, huyện Cẩm Mỹ là địa phương có diện tích cây trồng bị thiệt hại nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Nhiều vườn cây lâu năm bị tróc gốc, nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh trắng tay, bởi họ đã bỏ rất nhiều vốn để đầu tư trong nhiều năm…

Chị Nguyễn Thị Trung bên đống trái sầu riêng non nhặt được sau bão.
Chị Nguyễn Thị Trung bên đống trái sầu riêng non nhặt được sau bão.

Chị Nguyễn Thị Trung ở ấp 1, xã Xuân Quế đã bỏ nhiều công sức cố gắng chăm sóc 1 hécta sầu riêng hơn 10 năm tuổi của mình. Năm ngoái, sầu riêng dù thất thu, chị cũng có được hơn 80 triệu đồng. Năm nay, sầu riêng phát triển tốt, cho trái sớm hơn, hứa hẹn mùa bội thu. Thế nhưng, sau bão số 1, hơn 40 cây sầu riêng trong vườn đã bị tróc gốc. Nhìn vào đống sầu riêng non nhặt lại sau bão, chị buồn bã nói: “Từ đầu vụ đến giờ, tôi đã đầu tư khoảng 50 triệu đồng. Thấy sầu riêng phát triển tốt, tôi mừng thầm năm nay sẽ trúng mùa. Nhẩm tính cũng thu được khoảng 150 triệu đồng. Nào ngờ, sau bão, hàng loạt cây bị tróc gốc thế này là trắng tay rồi !”.

Được xem là hộ làm ăn lớn tại ấp Suối Râm, xã Xuân Quế, chị Ngô Thị Châu đã đầu tư phát triển vườn điều, chôm chôm, sầu riêng 8,4 hécta trong hơn 10 năm nay. Bình quân mỗi năm, vườn cây mang lại thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng cho gia đình chị. Thế nhưng, chỉ sau trận bão vừa qua, khoảng 4 hécta cây trong vườn đã gãy tan tác. Chị Châu cho biết: “Từ đầu vụ đến giờ, tôi đã đầu tư cho vườn cây hơn 80 triệu đồng. Nay gãy đổ hết, chỉ còn nước thanh lý cây ngã và cố gắng đầu tư trồng mới lại dần“.

Chị Ngô Thị Châu thu dọn nhánh cây điều bị ngã sau bão. Ảnh:  P.T
Chị Ngô Thị Châu thu dọn nhánh cây điều bị ngã sau bão. Ảnh: P.T

Tuy chỉ có diện tích 1,2 hécta, nhưng nhờ biết tính toán làm ăn, hàng năm gia đình anh Nguyễn Trung Tín ở xã Xuân Bảo cũng thu được hơn 300 triệu đồng. Nhờ đầu tư đúng mức, vườn cây sầu riêng và chuối của anh Tín phát triển rất tốt, mang lại hiệu quả cao. Sau cơn bão vừa qua, vườn cây ngã rạp, tan hoang...

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) huyện, đến ngày 5-4, Cẩm Mỹ có 146 hécta cây hàng năm bị thiệt hại (110 hécta bắp, 25 hécta rau các loại và 11 hécta lúa). Đáng kể, hơn 820 hécta cây lâu năm bị thiệt hại, trong đó, cây điều chiếm hơn 50% (422 hécta), tiêu 190 hécta, cao su 128 hécta và gần 90 hécta sầu riêng, chôm chôm, cà phê, xoài, mít.  Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó ban thường trực Ban chỉ huy PCLB Cẩm Mỹ cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã lập nhiều đoàn công tác thống kê diện tích, mức độ thiệt hại tại các hộ có diện tích cây trồng bị thiệt hại trong huyện và sẽ nhanh chóng tiến hành hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại theo quy định của Nhà nước.

Ông Trần Đình Minh, Phó trưởng ban chỉ huy PCLB tỉnh, cho biết các địa phương đang tập trung thống kê, xác minh các hộ bị thiệt hại trong toàn tỉnh để tiến hành hỗ trợ theo quy định. Riêng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Cụ thể, đối với diện tích lúa, bắp, hoa màu bị thiệt hại từ 30% trở lên sẽ được hỗ trợ từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/hécta (tùy thuộc vào mức độ thiệt hại). Cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 2 triệu đồng/hécta; thiệt hại từ 30-70% sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hécta. Trong những trường hợp vượt quá khả năng giải quyết, chính quyền các địa phương lập danh sách, báo cáo Ban chỉ huy PCLB tỉnh đề xuất hướng giải quyết.

Phương Trang

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều