Mỗi năm, nông dân Đồng Nai cung cấp cho thị trường gần 1 triệu tấn nông sản, trong đó có những đặc sản nổi tiếng.
Mỗi năm, nông dân Đồng Nai cung cấp cho thị trường gần 1 triệu tấn nông sản, trong đó có những đặc sản nổi tiếng.
Hiện nay, một số loại nông sản trong tỉnh đã tạo được mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân có đầu ra khá ổn định như: mía, điều, ca cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loại nông sản có sản lượng lớn, nông dân đang tự tìm đầu ra. Mới đây, tại hội thảo về tiêu thụ nông sản được tổ chức ở TX. Long Khánh, nhiều nhà vườn đã tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình.
* Cơ hội thì nhiều
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và TP. Hồ Chí Minh đang có nhu cầu mua lượng nông sản lớn làm nguyên liệu chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy Đồng Nai có nông sản khá phong phú, nhưng các doanh nghiệp chỉ mua được số lượng rất ít, nhiều nguyên liệu phải nhập khẩu về để sản xuất.
Chôm chôm là cây trồng chủ lực ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất). Ảnh: H. GIANG |
Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại gà lớn ở ấp Bình Tân, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) cho hay: “Mỗi tháng, trang trại của tôi cần khoảng 200 tấn bắp để làm thức ăn cho gà. Nhưng lượng bắp mua được trong tỉnh chỉ vài chục tấn, số còn lại tôi phải nhập khẩu. Do đó, tôi rất muốn liên kết với một số câu lạc bộ, hợp tác xã nông nghiệp để có vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất”.
Tương tự, ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình (TP. Biên Hòa), nói: “Bắp và đậu nành là hai nguyên liệu chính cho sản xuất thức ăn chăn nuôi nên công ty sẵn sàng mua số lượng lớn. Nếu mua được các loại nông sản này trong tỉnh thì cả công ty và người dân đều có lợi. Công ty sẽ giảm nhập khẩu và nông dân có đầu ra ổn định. Đồng thời, công ty sẵn sàng có những chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất để có vùng nguyên liệu tốt”.
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng mong muốn sẽ được ký kết với các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để đầu tư và mua lại sản phẩm dùng cho sản xuất và xuất khẩu.
* Hàng xuất khẩu “đói” nguyên liệu
Đồng Nai là tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn thứ hai ở Nam bộ, với khoảng 48 ngàn hécta. Trong đó nhiều trái cây đặc sản nổi tiếng như: bưởi Biên Hòa, chôm chôm Long Khánh, quýt Thanh Sơn, xoài Định Quán... Thế nhưng đầu ra của các sản phẩm trên còn bấp bênh, thường xuyên gặp cảnh mất mùa được giá, được mùa giảm giá. Trong khi đó, một số doanh nghiệp trong tỉnh và ở TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu mua trái cây để xuất khẩu tươi hoặc chế biến xuất khẩu lại không gom đủ hàng.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết Đồng Nai đang có chính sách hỗ trợ thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt) cho các hợp tác xã, câu lạc bộ, trang trại trong tỉnh. Với cây ăn trái, nông dân phải có diện tích từ 10 hécta trở lên, rau ăn lá 5 hécta trở lên. Năm đầu tiên để có chứng nhận GAP tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí, năm thứ hai là 75% và năm thứ ba 50%. Sau đó, nông dân phải tự đóng góp, để xin cấp lại giấy chứng nhận hàng năm. |
Theo ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hương (huyện Định Quán), công ty này thường xuyên cần mua lượng trái cây lớn như: chuối, mít, thơm và chôm chôm để chế biến và xuất khẩu. Sản phẩm của Công ty Thuận Hương đa số xuất sang thị trường Lào, Úc, Đài Loan, Trung Quốc và Campuchia. Nếu các trang trại, hợp tác xã có thể xử lý một số loại cây cho trái quanh năm công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao. Ngoài ra, Công ty TNHH Thuận Hương còn có nhu cầu mua thêm nhiều mặt hàng khác như: hạt sen, khoai lang, khoai môn để sấy khô và xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Đông (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện công ty đang muốn mua một số loại nông sản để xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ và châu Âu. Địa bàn công ty nhắm tới nhiều là Đồng Nai, vì đây là vùng có các loại trái cây, nông sản tương đối đa dạng và ngon. Mặt hàng chủ lực Công ty TNHH Tân Đông dự tính mua với số lượng lớn là: khoai mì dùng để ăn, bắp nếp, chuối, mãng cầu xiêm, ớt hiểm, nấm rơm, lá dứa, lá chanh… Theo ông, hàng Việt Nam hiện đang rất có lợi thế ở những thị trường quốc tế vì ngon và gần với tự nhiên. Tuy nhiên, để sản phẩm vào các thị trường này nông dân sản xuất phải đảm bảo an toàn.
Hương Giang