Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Giãn và giảm thuế: “Liều thuốc” tiếp sức doanh nghiệp

09:05, 21/05/2012

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP (NQ 13) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Các DN sản xuất - kinh doanh đón nhận chính sách với nhiều tâm trạng.

Tờ trình của Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh vào trung tuần tháng 5 vừa qua cho thấy, đến hết quý I đã có gần 19 ngàn doanh nghiệp (DN) tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn, hơn 10 ngàn DN phá sản, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2011 có 79 ngàn DN phá sản và ngừng hoạt động). Vậy DN cần gì và muốn gì ở những giải pháp này và họ tự “cứu” mình ra sao?

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP (NQ 13) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Các DN sản xuất - kinh doanh đón nhận chính sách với nhiều tâm trạng.

Trong các giải pháp của NQ 13, được chú ý nhiều nhất là việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập DN. Hai hình thức hỗ trợ này trong hoàn cảnh hiện nay được cho là “liều thuốc” nhằm cải thiện “sức khỏe” cho DN.

5-Doanh-nghiep.jpg

Giảm và giãn thuế theo Nghị quyết 13 được xem là “liều thuốc bổ” cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân Công ty gỗ Hố Nai (TP. Biên Hòa) đang sản xuất hàng nội thất xuất khẩu. Ảnh: Vân Nam

MỘT SỰ KHÍCH LỆ

Khi nghe tin Chính phủ sẽ gia hạn nộp thuế VAT và thuế thu nhập, không ít chủ DN đón nhận chính sách này khá bình thản. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Minh Tâm (huyện Long Thành),  nhận định chính sách này mang tính khích lệ, động viên cao. Ông Thịnh cho biết, việc được gia hạn nộp thuế VAT sẽ giúp DN có thêm chút vốn để sản xuất. Nhưng, điều cần thiết nhất hiện nay là làm thế nào tiêu thụ được sản phẩm. Kinh tế khó khăn khiến xây dựng và tiêu dùng bị thắt chặt, hàng hóa của DN làm ra không bán được đã phải giảm sản xuất. Trong mấy tháng qua, giá gạch của công ty ông bán ra không tăng, thậm chí còn giảm nhưng vẫn khó tiêu thụ. So với năm 2011, nhà máy gạch của ông đã giảm công suất xuống còn 1/3.

Anh Đoàn Anh Quân, Giám đốc Công ty nhôm, kính Đoàn Anh Quân (TX. Long Khánh), cho rằng các DN bị rơi vào tình trạng yếu như hiện nay cũng bởi suốt một thời gian dài không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, cùng với đó là lạm phát khiến “sức khỏe” đuối dần.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Phạm Đức Bình, biện pháp giảm, giãn thuế VAT từ nay đến cuối năm, trước mắt DN có lợi vì có thể sử dụng khoản tiền đó để tăng vốn lưu động, nhưng nó không làm giảm giá thành sản phẩm xuống, như thế vẫn không kích thích được tiêu dùng. Việc giãn thuế này có khi còn có hệ quả là tăng nợ cho DN và sau này không khéo trở thành nợ khó đòi. Lợi trước mắt nhưng kiểm soát không tốt có nguy cơ trở thành nợ thuế tràn lan. Ông Bình mạnh dạn đề xuất có thể chọn lọc một số sản phẩm không phải hàng tiêu dùng mà là nguyên liệu của ngành khác giảm hẳn thuế VAT xuống còn 5% để kích thích sản xuất. Thuế thu nhập DN cũng giảm xuống khoảng 22% cho DN thấy lợi ích trong tương lai để phấn đấu.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, khẳng định: chính sách thuế sẽ tác động đối với một số DN đang có lợi nhuận, DN có khả năng hồi phục, mặt khác, các giải pháp hỗ trợ DN sẽ được thực hiện đồng bộ, do đó, giảm và giãn thuế cần được đặt trong sự tương quan với các hình thức hỗ trợ khác.

DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG CỨU MÌNH

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty gỗ Hố Nai (phường Long Bình, TP.Biên Hòa),  vào lúc này chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần phải được triển khai nhanh và đến đúng đối tượng thì mới phát huy được tác dụng, nếu không khi “hàng” cứu trợ đến nơi thì DN đã… chết! Theo ông, việc giãn thuế không phải là cứu cánh để DN vượt qua khó khăn mà DN phải tự cứu mình trước.

Ông Quý chia sẻ, từ đầu năm đến nay, ông chỉ tập trung chỉ đạo cho việc cắt giảm chi phí và tiết kiệm tối đa. Tất cả những việc gì có thể để tiết kiệm thì ông đã cho triển khai thực hiện. Khó khăn của năm nay khác hoàn toàn so với những năm trước. Trước đây, khi gặp khó khăn, DN có thể đàm phán với khách hàng tăng giá sản phẩm, thấy hợp lý là khách hàng chấp nhận. Nhưng năm nay thị trường tiêu thụ quá khó nên sản phẩm hoàn toàn không thể tăng giá bán được. “Giá bán sản phẩm không tăng, trong khi đó những chi phí khác, như: điện, xăng dầu, lương công nhân đều tăng cùng với lãi suất ngân hàng cao làm giá thành sản phẩm  bị đội lên khiến DN gặp sức ép rất lớn” - ông Quý cho biết.

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, cho rằng: giai đoạn này các DN phải nỗ lực trong việc tái cấu trúc lại DN. Trong thời gian khó khăn này, DN cần điều chỉnh lại mục tiêu, đưa ra mục tiêu sát sườn hơn và quan trọng là cắt giảm chi phí. Ví dụ như lợi nhuận lúc này là thị phần, giảm nguyên liệu tồn kho để giảm được vốn lưu động.

Vân Nam - Vi Lâm

Bài 2: GIải hàng tồn kho

 

 

 

 

Tin xem nhiều