Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất giảm, nợ thuế tăng

09:05, 06/05/2012

Nhìn từ nhiều phía, Chính phủ đang có một số động thái gỡ khó cho doanh nghiệp (DN), như: giảm lãi suất, giảm và giãn thuế, có chính sách hỗ trợ cho từng ngành sản xuất (SX) - xuất khẩu...

Nhìn từ nhiều phía, Chính phủ đang có một số động thái gỡ khó cho doanh nghiệp (DN), như: giảm lãi suất, giảm và giãn thuế, có chính sách hỗ trợ cho từng ngành sản xuất (SX) - xuất khẩu...

Tuy nhiên, trong 4 tháng qua, sản xuất và xuất khẩu đang chùng lại, nhiều ngành hàng và sản phẩm sụt giảm cho thấy DN đang rất khó khăn. Mặt khác, mức nợ thuế đang gia tăng mạnh, báo động tình trạng “sức khỏe” của nhiều DN.

* Sản xuất sụt giảm

Theo Sở Công thương, chỉ số SX công nghiệp tháng 4-2012 đã giảm 1,2% so với tháng trước và giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm là do kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, giá cả nhiều loại nguyên nhiên liệu, vật tư đầu vào biến động tăng. Chi phí đầu vào tăng cao, giá sản phẩm tăng nên người tiêu dùng phải tiết kiệm chi tiêu…

Chế biến gỗ là một trong những ngành sản xuất đang gặp nhiều khó khăn. (ảnh minh họa)  Ảnh: V.L
Chế biến gỗ là một trong những ngành sản xuất đang gặp nhiều khó khăn. (ảnh minh họa) Ảnh: V.L

Cũng trong tháng 4, sản xuất công nghiệp khu vực DN nhà nước giảm hơn 1% (so với tháng trước), DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm hơn 2%; chỉ riêng khu vực ngoài quốc doanh  tăng hơn 8% so với tháng trước. Trong tháng 4 vừa qua, nhiều ngành SX giảm, như: khai thác đá giảm hơn 43%; SX sợi và dệt vải giảm 9%; SX giày dép giảm 18%; SX giường, tủ, bàn ghế giảm 32%; SX mô tô, xe máy giảm hơn 63%...

Tính chung trong 4 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai tăng 6,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức bình quân chung cả nước (4,3%), song thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái. 4 tháng qua, ngoài một số sản phẩm chủ lực vẫn cố gắng duy trì tăng trưởng, như: thức ăn chăn nuôi, bao bì, cà phê hỗn hợp, gạch lát nền..., thống kê cho thấy rất nhiều sản phẩm giảm sút mạnh, như : đá xây dựng, giày dép, giấy, sơn, bàn ghế gỗ, gạch xây dựng... Tương tự, kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng qua cũng đánh dấu một mức sụt giảm đáng lo ngại so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm đạt 3,3 tỷ USD, chỉ tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 29% kế hoạch năm. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tăng đến trên 40% so với cùng kỳ năm 2010 và đạt đến 37% kế hoạch năm.

Trước xu hướng đáng lo ngại trên, trong cuộc họp mới đây về tình hình kinh tế - xã hội quý I, lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, chưa thể đánh giá một cách khái quát về bức tranh toàn cảnh về sản xuất - xuất khẩu vì mới chỉ qua 4 tháng. Tuy nhiên, phải thừa nhận, rất nhiều DN đang gặp khó khăn trong sản xuất, bằng chứng là thị trường sụt giảm, hàng tồn kho tăng, đơn hàng bấp bênh ở một số ngành... Bên cạnh đó, lãi suất còn cao và DN tiếp cận khó vì nhiều lý do.

* Nợ thuế tăng mạnh

Trong khi sản xuất có xu hướng sụt giảm thì số liệu từ Cục Thuế Đồng Nai cho thấy, nợ thuế đã tăng từ con số 800 tỷ đồng vào cuối năm 2011 lên 1.100 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Thuế, nhận định mặc dù các khoản nợ thuế tăng đa phần nằm trong nợ có khả năng chi trả, tuy nhiên cũng rất đáng lo ngại bởi nợ thuế nhiều năm qua chưa bao giờ vượt quá 5% tính trên tổng thu, thì nay đã tăng lên gần 7% và 20% số nợ đó là nợ không có khả năng chi trả.

Nợ thuế tập trung ở nhóm DN nhỏ và vừa trong nước và nhóm DN FDI cũng đang có dấu hiệu nợ thuế nhiều hơn. Cụ thể, khoảng 30% nợ thuế tập trung ở nhóm DN nhỏ và vừa, còn khối DN FDI chiếm khoảng 40%. Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng thì nợ thuế ở các DN FDI chủ yếu ở một nhóm DN nợ lớn, dây dưa kéo dài. Thời gian qua, còn phát sinh thêm một số DN FDI nợ thuế do phá sản, mất khả năng chi trả, thậm chí chủ DN bỏ trốn về nước.

“Điều này phản ánh tình hình “sức khỏe” của DN trong lẫn ngoài nước đang đi xuống, cần nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn. Bởi chỉ khi “sức khỏe” DN tốt hơn, ngành thuế mới có cơ sở tăng thu cho ngân sách, song hiện tại tiền phạt nợ thuế quá hạn còn thấp hơn lãi vay một số ngân hàng nên nhiều DN khó khăn “thà” dây dưa nợ thuế còn hơn là đóng lãi ngân hàng” - ông Hùng nói.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều