Báo Đồng Nai điện tử
En

Đằng sau xuất siêu là gì?

10:06, 25/06/2012

Việc chuyển hướng quá nhanh từ tình trạng nhập siêu kéo dài hàng chục năm sang xuất siêu trong vài tháng gần đây báo hiệu những dấu hiệu không được khả quan lắm về tình hình sản xuất, xuất khẩu của giới doanh nghiệp (DN) Đồng Nai trong năm 2012. Liệu đây có là dấu hiệu của suy giảm sản xuất trên diện rộng?

Việc chuyển hướng quá nhanh từ tình trạng nhập siêu kéo dài hàng chục năm sang xuất siêu trong vài tháng gần đây báo hiệu những dấu hiệu không được khả quan lắm về tình hình sản xuất, xuất khẩu của giới doanh nghiệp (DN) Đồng Nai trong năm 2012. Liệu đây có là dấu hiệu của suy giảm sản xuất trên diện rộng?

Nếu như 6 tháng đầu năm cũng như khi kết thúc năm 2011, Đồng Nai vẫn nhập siêu hơn 1,1 tỷ USD thì kết thúc 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đột ngột chuyển sang xuất siêu 138 triệu USD.

* Xuất siêu không đáng mừng

Tuy nhiên, đánh giá của Sở Công thương cho thấy, sự chuyển hướng nhanh chóng này không phải điều đáng mừng dù giảm nhập siêu và từng bước chuyển sang xuất siêu là mục tiêu trong dài hạn của Đồng Nai cũng như cả nước. Bởi xét trên nhiều yếu tố khác, xuất siêu đột ngột là do kinh tế và sản xuất đang trên đà suy giảm.

Nhiều doanh nghiệp giảm nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, dẫn đến kim ngạch nhập khẩu giảm.  Ảnh: V. LÂM
Sản xuất thép là một trong những ngành đang gặp nhiều khó khăn.

So sánh với 6 tháng đầu năm 2011, có thể thấy, 6 tháng đầu năm 2012 xuất khẩu có tăng về kim ngạch (tăng 10,5%, khoảng gần 600 triệu USD), song mức tăng chỉ bằng 1/3 bình quân năm 2011. Theo đánh giá, kim ngạch xuất khẩu tăng chậm so với cùng kỳ chủ yếu do gặp khó khăn về nhiều mặt, như: chi phí vận chuyển, giao dịch tăng trong khi giá xuất khẩu giảm, thị trường tiêu thụ tại một số nước EU khó khăn... tác động tới giá thu mua trong nước giảm. Hiện dệt may và giày dép là 2 ngành sản xuất có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất. Trong sáu tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu hai ngành hàng này có tốc độ tăng trưởng khoảng 12%. Riêng sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 7% do khó khăn về thị trường. Ngoài ra, các sản phẩm khác như : linh kiện điện tử, nông sản... cũng giảm xuất khẩu trên cả 2 mặt: giá và lượng.

Bên cạnh đó, nhập khẩu lại giảm hơn 400 triệu USD về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu giảm chủ yếu do một số mặt hàng, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất cũng giảm sút đáng kể.

* Suy giảm sản xuất

Báo cáo của Sở Kế hoạch đầu tư cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn có 42 DN trong và ngoài nước giải thể hoặc thông báo ngừng hoạt động với các nguyên nhân: làm ăn không hiệu quả, khó khăn về vốn, không có khách hàng…

Tuy nhiên, số liệu từ Cục Thuế Đồng Nai cho thấy tình hình trầm trọng hơn khi tính đến hết tháng 5, con số giải thể là 90 DN, bên cạnh đó gần 1,8 ngàn DN vẫn hoạt động nhưng không có doanh thu và mức nộp thuế bằng không. Điều này chứng tỏ, những khó khăn của DN là có thực và đang ngày một trầm trọng hơn.

Sản xuất thép là một trong những ngành đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp giảm nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, dẫn đến kim ngạch nhập khẩu giảm. Ảnh: V. LÂM

Theo nhiều DN, những khó khăn về đơn hàng, giá cả… không phải chỉ mới xuất hiện gần đây, mà là hậu quả của ít nhất 2 năm gần đây, sau nhiều biến cố: khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ châu Âu, lạm phát tăng mạnh trong năm 2008 - 2009… Trong 6 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp của Đồng Nai chỉ tăng trên 10%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Một số sản phẩm có mức suy giảm lên đến hàng chục % như: đá dăm (giảm 53%), trái cây đóng hộp (giảm 36%), giày dép vải (giảm 66%), đồ nội thất (giảm 67%), giấy (giảm 32%)…

Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, cho rằng, nhập siêu đột ngột “biến mất”, chuyển sang xuất siêu trong bối cảnh này là mừng ít, lo nhiều bởi cơ cấu hàng nhập khẩu của Đồng Nai nhiều năm nay thiên về máy móc thiết bị và nguyên liệu, nhiên liệu để sản xuất. Khi DN giảm nhập khẩu mạnh mẽ và đột ngột, có thể ảnh hưởng đến sản xuất, dù trước mắt chưa thấy tác động nhiều bởi kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng, song về lâu dài, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn. Nếu trong một thời gian dài, kim ngạch nhập khẩu giảm theo hướng công nghiệp phụ trợ phát triển, DN sử dụng nguyên vật liệu trong nước ngày càng nhiều, người tiêu dùng bớt chuộng hàng ngoại… thì đây sẽ là một tín hiệu đáng mừng sau hàng chục năm Đồng Nai liên tục nhập siêu.

Khảo sát của Sở Công thương cho biết, hiện nay do tình hình khó khăn chung, nhiều DN đã phải điều chỉnh kế hoạch và thu hẹp sản xuất do đơn hàng giảm, hạn chế nhập nguyên liệu. Một số ít DN đang cố gắng thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, có những chính sách bán hàng khuyến mãi để đảm bảo doanh thu, giữ ổn định thị trường và duy trì thu nhập cho người lao động. Phó giám đốc Sở công thương  Châu Minh Nguyện phân tích, hiện tại vẫn còn hơi sớm để đề cập đến tình trạng suy giảm chung trên diện rộng, song việc nhập khẩu máy móc trang thiết bị và nguyên vật liệu đột ngột giảm mạnh có thể sẽ gây hậu quả cho năm tới và nếu các biện pháp hỗ trợ DN một cách đồng bộ không đem lại nhiều tác dụng một cách thực tế thì tình hình còn khó khăn hơn.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích