Nhiều diễn biến phức tạp đang diễn ra trên thị trường lãi suất sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước áp trần 9%/năm cho lãi suất (LS) huy động dưới 1 năm và thả nổi LS huy động trên 1 năm. Hiện tại, hàng loạt NH lớn giảm LS vay, đồng thời nhiều NH khác đua LS huy động dài hạn, và doanh nghiệp (DN) - nhất là DN nhỏ đang “lãnh đủ”.
Nhiều diễn biến phức tạp đang diễn ra trên thị trường lãi suất sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước áp trần 9%/năm cho lãi suất (LS) huy động dưới 1 năm và thả nổi LS huy động trên 1 năm. Hiện tại, hàng loạt NH lớn giảm LS vay, đồng thời nhiều NH khác đua LS huy động dài hạn, và doanh nghiệp (DN) - nhất là DN nhỏ đang “lãnh đủ”.
Ngay sau động thái giảm LS huy động, nhiều NH “ngoan ngoãn” hạ LS huy động ngắn hạn xuống 9%, thậm chí dưới mức 9%/năm. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số NH triển khai ngay cuộc đua LS huy động ở các kỳ hạn dài.
* Đua huy động dài hạn
Đứng đầu mức LS huy động cao nhất sau khi các kỳ hạn dài được dỡ bỏ trần là NH Phương Tây (Western Bank) với mức LS lên đến 12,5%/năm áp dụng cho các khoản gửi 13 tháng. Trước đó vài ngày, LS cao nhất của kỳ hạn này lên đến 14%/năm. Với kỳ hạn 36 tháng, ACB công bố mức 12%/năm (trước đó 9%). LS cao nhất của NH Sài Gòn (SCB) cũng chạm 12%/năm nhưng áp dụng cho kỳ hạn 15, 18 và 24 tháng (ngày 11-6 cao nhất chỉ 10%). Tại Eximbank, LS của kỳ hạn từ 12 tháng là 9,2-9,5%/năm. NH Đông Nam Á cũng vừa nâng mức huy động cao nhất lên tới 12%/năm, áp cho kỳ hạn 24 tháng. Riêng sản phẩm tiết kiệm LS bậc thang, với các khoản tiền gửi lớn trên 1 tỷ đồng, từ 11,6-12,6%/năm. Ngoài ra, các NH lớn, như: ACB, Eximbank, SCB cũng trả LS cho các kỳ hạn dài lên tới 12%/năm tùy điều kiện.
Hiện tại, nhiều ngân hàng đang chạy đua lãi suất huy động kỳ hạn dài để cân đối lại vốn ngắn và dài hạn, dù Ngân hàng Nhà nước cho biết không có căng thẳng thanh khoản. Ảnh: V. LÂM |
Giám đốc một chi nhánh NH khá lớn có trụ sở tại TP. Biên Hòa giải thích, nhiều NH nâng LS các kỳ hạn dài là nhằm cơ cấu lại vốn, bởi thời gian qua vốn vay dài hạn lúc nào cũng thiếu do người dân chỉ thích gửi các kỳ hạn ngắn vì LS được trả cao hơn. Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng thừa nhận, rất khó kiểm soát các khoản tiền gửi tại các NH hiện tại có tuân thủ đúng kỳ hạn hay không, bởi nhiều NH vẫn trả LS cao kỳ hạn dài, nhưng lại cho rút trước hạn.
* Doanh nghiệp nhỏ “không mơ” vốn rẻ
Sau khi trần lãi suất huy động VND được đưa về mức 9%/năm, nhiều NH lớn đã công bố giảm lãi suất vay. Cụ thể, NH Agribank giảm LS cho vay xuất khẩu xuống còn 11%/năm, LS cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND là 13%/năm đối với các lĩnh vực hiện đang áp trần lãi suất vay (nông nghiệp nông thôn, DN vừa và nhỏ…). Các NH khác là Vietcombank và BIDV cũng giảm lãi suất nhiều đối tượng vay, trong đó vay sản xuất - kinh doanh ở nhiều đối tượng chỉ còn trên dưới 12%/năm.
Trần lãi suất có vô dụng? Đến thời điểm này, trần LS huy động ở nhiều NH đã vượt quá trần LS vay của NH Nhà nước cho 4 lĩnh vực theo Thông tư 14 ban hành vào đầu tháng 5 vừa qua. Theo đó, quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, lãi suất cho vay tối đa được xác định bằng lãi suất tiền gửi tối đa kỳ hạn 1 tháng trở lên cộng với 3%/năm. Với trần lãi suất huy động hiện tại, mức cho vay tối đa theo quy định đó là 12%/năm. Tuy nhiên, với kiểu “huy động dài, rút trước hạn thoải mái” khá nhập nhèm hiện tại của nhiều NH thì DN không hy vọng gì vay vốn rẻ theo đúng quy định của trần LS. Mặt khác, theo một cán bộ tín dụng một NH nhỏ có chi nhánh tại Biên Hòa thì với một bộ hồ sơ vay vốn theo diện ưu tiên, DN phải đáp ứng khoảng… 16 tiêu chí khó khăn, trong đó có những tiêu chí mà DN lớn còn không đáp ứng nổi, huống gì DN vừa và nhỏ. Chính vì vậy, với các chính sách điều hành LS thay đổi nhanh và thiếu đồng bộ, DN nhỏ và vừa dù đang hoạt động tốt hiện tại cũng chẳng nhận được mấy hỗ trợ về vốn và LS. |
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều DN - đặc biệt là DN nhỏ và vừa - cho biết vẫn đang phải vay với LS cao, từ 17-18%/năm. Có DN nói thẳng, không hy vọng gì với các động thái giảm LS hoặc hỗ trợ vay thời gian qua vì trên thực tế, LS giảm không đáng kể. Ông T.P. (Trảng Bom) hoạt động trong ngành chế biến xuất khẩu nông sản cho biết, DN của ông vẫn đang trả lại 18%/năm cho khoản tiền vay từ năm ngoái. “Vay mới thì có thấp hơn một chút, khoảng 17%/năm, mức giảm là không đáng kể, trong khi muốn vay mới DN phải đáo hạn khoản vay cũ, mà DN nào có tiền để làm việc đó ở thời điểm hiện tại?” - ông P. nói.
Tương tự, ông Q. (TX. Long Khánh) - chủ một DN sản xuất hàng tiêu dùng nói, khoản vay trên 10 tỷ đồng tại 3 NH của ông đang “ngốn” khoảng 18-19%/năm tiền lãi, chỉ giảm khoảng 1-2%/năm so với năm ngoái. “NH nói, đáo hạn vay mới thì LS cũng 17,5-18% vì nguồn vốn huy động LS cao vẫn chưa dùng hết” - ông Q. cho biết.
Một trường hợp khác, chủ một DN chế biến nông sản đăng “ăn nên làm ra” với doanh thu hàng năm khá lớn tại huyện Xuân Lộc cũng cho biết đang trả lãi vay 19%/năm cho khoản vay 10 tỷ đồng của mình tại một NH thương mại quy mô khá lớn. DN này bức xúc chia sẻ rằng khi LS hạ, DN cũng “chèo kéo” NH giảm lãi, nhưng NH cho biết “có nhiều cái khó” nên chỉ hạ chút đỉnh, khoảng 0,5%/năm.
Vi Lâm