Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu nông sản lắm chông chênh!

09:06, 11/06/2012

Kết thúc 5 tháng đầu năm và dự ước 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch, sản lượng và giá cả của nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) chủ lực của Đồng Nai sụt giảm mạnh. Điều này gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp.

 

Kết thúc 5 tháng đầu năm và dự ước 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch, sản lượng và giá cả của nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) chủ lực của Đồng Nai sụt giảm mạnh. Điều này gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp.

Ca cao là một trong những mặt hàng xuất khẩu bị giảm giá khá mạnh từ cuối năm 2011 đến nay do sức tiêu thụ của thị trường châu Âu yếu. Trong ảnh:  Nông dân ở TX. Long Khánh đang thu hoạch ca cao. Ảnh: V. Nam
Ca cao là một trong những mặt hàng xuất khẩu bị giảm giá khá mạnh từ cuối năm 2011 đến nay do sức tiêu thụ của thị trường châu Âu yếu. Trong ảnh: Nông dân ở TX. Long Khánh đang thu hoạch ca cao. Ảnh: V. Nam

Số liệu từ Sở Công thương cho thấy, cùng kỳ năm ngoái kim ngạch XK tăng trên 30%, song năm nay chỉ tăng trên 10%. Ở mảng nông sản XK, cụ thể là điều, cà phê, cao su… cả giá và lượng đều giảm. Theo đó, mặt hàng hạt điều nhân dự kiến XK trên 3.100 tấn, chỉ tăng 0,8% so cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm 6 tháng 2012, giá mua hạt điều thô trong nước đang ổn định ở mức 25-26 ngàn đồng/kg. Thị trường XK tập trung chủ yếu vào Trung Quốc, Mỹ, Australia… Tuy nhiên, theo người dân trồng điều, năm nay năng suất điều không cao, vì trong mùa khô xảy ra nhiều cơn mưa trái mùa lớn, thời tiết sáng sớm thường lạnh có sương mù làm ảnh hưởng đến quá trình ra bông đậu trái. Đối với cà phê, dự kiến sẽ XK khoảng 91 ngàn tấn trong 6 tháng (tương đương khoảng 187 triệu USD). Tình hình XK mặt hàng này chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm 2011. Giá mua cà phê trong nước giảm từ 47 ngàn đồng/kg xuống còn khoảng 39-40 ngàn đồng/kg.

Ở mặt hàng cao su thiên nhiên, sản lượng XK ước tính giảm 10% so với cùng kỳ, cộng với giá XK cao su giảm từ 4.377 USD/tấn xuống 2.922 USD/tấn (giảm 33%). Dự kiến kim ngạch XK cao su 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 20 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2011. Theo đánh giá của các nhà kinh doanh, giá xuất khẩu cao su giảm mạnh do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc hiện đang tồn kho mặt hàng này khá lớn nên nhu cầu nhập khẩu giảm. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc năm 2012 cũng gặp phải khó khăn, điều thấy rõ là Chính phủ Trung Quốc phải điều chỉnh tăng trưởng GDP từ 8% xuống còn 7,5%.

Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, kim ngạch XK các loại nông sản chủ lực của Đồng Nai giảm gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, song sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch XK chung của tỉnh. Các loại nông sản XK không bị giảm sút nhiều, mà chủ yếu giảm mạnh về giá do nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm, nông sản Việt Nam lại bị cạnh tranh bởi một số nước, như: Ấn Độ, Brazil… Trong những tháng tới, khả năng phục hồi có thể sẽ chưa mạnh mẽ, vì thế doanh nghiệp cần chú trọng giữ vững các thị trường truyền thống.

Trong khi giá xuất khẩu giảm thì giá dịch vụ lại ở mức cao. Cụ thể như giá cước vận tải và chi phí sản xuất, XK cao khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Một số thị trường khác, như: Ấn Độ, Malaysia đang có nhu cầu tiêu thụ trở lại đây cũng là cơ hội cho cao su XK hồi phục giá. Sự giảm sút mạnh về giá của mặt hàng nông sản XK từ đầu năm đến nay phải kể đến là mì lát. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng mì lát XK liên tục giảm. Cụ thể như trong tháng 1, giá mỗi tấn mì lát xuất đi đạt 264 USD, nhưng sang tháng 2 đã giảm xuống 250 USD/tấn và đến đầu tháng 5 chỉ còn 230 USD/tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ các nhà xuất nhập khẩu Đồng Nai cho rằng, một số sản phẩm nông sản XK năm nay không được tốt do ảnh hưởng nhiều bởi hai thị trường chính là Trung Quốc và châu Âu. Ông Tuấn nói:  “XK nông sản phần lớn của các doanh nghiệp hiện nay là vào Trung Quốc, vì vậy sự phụ thuộc ở thị trường này rất lớn. Chỉ cần các nhà nhập khẩu Trung Quốc giảm nhập hàng là lượng hàng tồn kho cao và giá sản phẩm bị rớt xuống ngay. Các doanh nghiệp XK cũng đang bối rối trước vấn đề này, trong khi lãi suất ngân hàng ở mức cao, nếu để hàng tồn nhiều rất dễ bị lỗ”.

Vi Lâm - Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích