Trong chuyến làm việc mới đây tại Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đã trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai xoay quanh vấn đề: Các giải pháp thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH), hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn và đặc biệt là huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Trong chuyến làm việc mới đây tại Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đã trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai xoay quanh vấn đề: Các giải pháp thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH), hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn và đặc biệt là huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng.
* Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, những vấn đề mà Bộ trưởng quan tâm nhất trong chuyến công tác tại Đồng Nai là gì?
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Mục đích của chuyến công tác của Bộ KH-ĐT đến Đồng Nai lần này là nghe tỉnh báo cáo về kết quả thực hiện tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và đặc biệt là các đề xuất của tỉnh với Bộ và Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Mặt khác, Bộ cũng muốn nghe đề nghị trong việc tháo gỡ các khó khăn chung để tạo ra các bước đột phá trong huy động nguồn lực phát triển cho đất nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Vấn đề cuối cùng là đề xuất về liên kết vùng, làm sao để có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm sử dụng các nguồn lực của đất nước và các địa phương một cách hiệu quả hơn, đứng trên góc độ vùng chứ không phải từng địa phương đơn lẻ.
* Về vấn đề huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, theo Bộ trưởng, giải pháp nào là mang tính đột phá?
- Chúng ta đang có một bất cập lớn, đó là nhu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng về KT-XH của đất nước ngày càng lớn và trên thực tế hạ tầng còn thấp kém so với nhu cầu phát triển. Song ngược lại, ngân sách chi cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm, kể cả về mặt tỷ trọng, bởi nhu cầu chi tiêu ngân sách cho các vấn đề khác ngày càng lớn lên. Do đó, cần phải thay đổi quan điểm đã hình thành từ trước là xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH chủ yếu dựa vào ngân sách.
Thay vào đó, nên có cách tiếp cận khác, và theo tôi cần mở cánh cửa để cho các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế ngoài nhà nước tham gia vào xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Nguồn ngân sách nhỏ bé nên chỉ dùng vào các lĩnh vực mà các thành phần khác không thể làm được, hoặc làm mà không có lãi, chẳng hạn như các lĩnh vực công ích và an ninh - quốc phòng. Còn tất cả các lĩnh vực khác, khi đầu tư có thể thu được vốn, có thể có lãi thì phải tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách để khuyến khích và thúc đẩy cho tư nhân trong và ngoài nước đầu tư. Nhiều nước trên thế giới đã làm điều này, Việt Nam cũng phải chuyển đổi dù rất khó khăn. Những khó khăn biểu hiện ngay ở khung pháp lý, cách tổ chức thực hiện, các yêu cầu minh bạch về thủ tục… Bởi chẳng ai mang tiền đến đầu tư ở nơi mà pháp lý không ổn định, nay thế này mai thế khác, hoặc không thể minh bạch trong hạch toán… Phải bằng mọi cách tạo ra sự tin tưởng, nếu làm được, tôi tin rằng kể cả các công trình lớn, chúng ta vẫn kêu gọi đầu tư được, không cần viện đến ngân sách.
* Đối với vấn đề liên kết vùng, chúng ta đang gặp những trở ngại gì, thưa Bộ trưởng?
- Liên kết vùng là vấn đề chung của thế giới. Các quốc gia lãnh đạo theo vùng, khi quy hoạch KT-XH thường không phân theo địa danh hành chính. Bất cập của chúng ta là đất chật, dân đông nhưng lại chia nhỏ các đơn vị hành chính. Với các cơ chế như hiện tại, liên kết vùng đang gặp khó, mỗi địa phương như một pháo đài kinh tế riêng, do đó khai thác lợi thế vùng hiện nay bị hạn chế nhiều.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh (trái) thăm Khu công nghiệp Long Đức. Ảnh: V.Lâm |
Chính phủ đã nhìn ra vấn đề này và hiện đang chia cả nước thành 6 vùng khác nhau, trong đó vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được coi là động lực phát triển của cả nước, song liên kết vẫn còn lỏng lẻo bởi thiếu một tổ chức để điều hành hiệu quả, đồng thời chưa có chính sách khai thác hợp lý. Chính phủ đã có đánh giá lại vấn đề này, và cho rằng cần làm mạnh hơn việc điều phối quản lý các vùng dưới góc độ khai thác lợi thế chung.
* Thưa Bộ trưởng, về vấn đề hỗ trợ DN, chúng ta cần phải làm gì?
- Hỗ trợ DN cũng không nằm ngoài mục đích của chuyến công tác đến Đồng Nai lần này. Chính phủ đã có Nghị quyết 13 về giảm và giãn thuế để DN đỡ bớt khó khăn, ngoài ra còn có nhiều giải pháp khác về chính sách thủ tục để DN hoạt động dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là hiện tại DN rất khó tiếp cận vốn, đây là điểm then chốt vì hơn 70% DN sản xuất - kinh doanh đều trông cậy vào vốn vay ngân hàng, trong khi lãi suất vẫn rất cao, mặt khác, tiếp cận vốn ngân hàng cũng không dễ. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng có quyết sách quyết liệt là giảm lãi suất cho cả nợ mới lẫn cũ lần lượt xuống dưới 13% và 15%. Mặt khác cũng đang cơ cấu lại nợ xấu nhằm giải quyết nợ xấu của DN trước đây để DN có điều kiện tiếp cận với lãi suất đã được hạ. Nếu dòng vốn lưu thông tốt, cộng với các chính sách giảm và giãn thuế cùng một số chính sách thủ tục hành chính thông thoáng, tôi nghĩ rằng DN sẽ vượt qua được khó khăn.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Vi Lâm (thực hiện)