Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất đối phó với giá điện, xăng dầu tăng

09:07, 25/07/2012

Từ ngày 1-7-2012, giá điện được điều chỉnh tăng 5% và ngày 20-7, giá xăng dầu cũng tăng trở lại 400 đồng/lít. Việc giá điện và xăng dầu tăng trong thời điểm này đã làm nhà sản xuất thêm gánh nặng.

Từ ngày 1-7-2012, giá điện được điều chỉnh tăng 5% và ngày 20-7, giá xăng dầu cũng tăng trở lại 400 đồng/lít. Việc giá điện và xăng dầu tăng trong thời điểm này đã làm nhà sản xuất thêm gánh nặng.

Trong lúc sản xuất công nghiệp đang bị đình đốn, ngành nông nghiệp cũng gặp khó khăn, các đơn vị sản xuất phải tiết kiệm tối đa để giảm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm tiêu thụ hàng, thế nhưng chi phí đầu vào lại liên tục đã gia tăng áp lực lên sản xuất.

* Công nghiệp nặng gánh

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất chưa kịp mừng với những giải pháp của Chính phủ thì ngay trong tháng 7, các nhà sản xuất gặp liên tiếp 2 cú “sốc” là giá điện và xăng dầu đã được điều chỉnh tăng. Anh Nguyễn Văn Bách, Phó giám đốc Công ty chế biến gỗ Minh Cường ở huyện Trảng Bom, cho biết: trong tháng 7 này với giá điện mới, công ty sẽ bị đội chi phí thêm gần chục triệu đồng. Trong khi đó, tình hình sản xuất của công ty nhiều tháng nay luôn ở tình trạng phải “gồng mình” để cố vượt qua khó khăn. “Tôi vẫn kỳ vọng cuối năm nay hoạt động sản xuất sẽ đỡ hơn, nhưng vừa qua thấy giá điện và xăng dầu tăng như vậy thì cuối năm sẽ không dễ chút nào. Bởi giá thành sản phẩm sẽ không thể hạ được, như thế khó kích thích được thị trường tiêu dùng” - anh Bách nói.

Sản xuất bao bì ở Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa. Ảnh: V. Nam
Sản xuất bao bì ở Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa. Ảnh: V. Nam

Cùng chung suy nghĩ với anh Bách, chị Mai Thị Lệ, Phó giám đốc DN tư nhân Tiến Thành ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa cho rằng, với chi phí đầu vào của sản xuất như hiện nay, DN rất khó tính được việc hạ giá sản phẩm, trừ khi chấp nhận chịu lỗ để đẩy hàng tồn ra. DN Tiến Thành hoạt động trong lĩnh vực may mặc hàng xuất khẩu. Chị Lệ cũng cho biết, hai năm nay DN đã thực hiện rất nhiều phương án để tiết kiệm chi phí đầu vào cho sản xuất, trong đó có cả vấn đề tiết kiệm điện, đến nay khó có thể thực hiện tiết kiệm hơn.

Nhiều lĩnh vực sản xuất khác, như: bao bì, đồ nhựa, sắt thép… phải sử dụng lượng điện lớn đang chịu áp lực lớn khi giá điện tăng.

* Nông nghiệp mệt mỏi

Chịu tác động mạnh nhất khi điện tăng giá trong ngành nông nghiệp là lĩnh vực chăn nuôi heo và gà. Anh Ngô Văn Phúc, chủ trại gà ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) cho biết, mỗi tháng tiền điện phục vụ 2 trại gà của anh cũng lên đến gần 4 triệu đồng. Giá gà trong suốt thời gian dài vừa qua luôn ở mức thấp, khiến người chăn nuôi gà liên tục bị thua lỗ. Giá điện tăng lên đồng nghĩa mỗi tháng anh Phúc phải chi thêm vài trăm ngàn đồng cho trại gà của mình, chăn nuôi đã lỗ nay lại lỗ thêm.

Không chỉ người nuôi gà gặp khó mà người chăn nuôi heo cũng không mấy dễ dàng. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, trại heo trên dưới 100 con nái và vài trăm con heo thịt mỗi tháng sẽ sử dụng hết khoảng 1 ngàn kWh điện, đối với các trại nuôi heo chuồng lạnh, lượng điện còn tốn gấp nhiều lần. “Điện tăng giá trong thời điểm này, trước mắt gây thêm phần  khó cho người chăn nuôi. Tôi chỉ sợ giá điện và xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá thức ăn chăn nuôi lên nữa, như vậy càng thêm khó khăn” - ông Đoán nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng giá điện vào thời điểm sản xuất đang èo uột như hiện nay sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN. Như vậy, khả năng phục hồi kinh tế sẽ bị mất đà.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích