Báo Đồng Nai điện tử
En

Thấp thỏm đầu ra cho cây mía

10:07, 15/07/2012

Thời gian qua, giá đường trên thế giới giảm mạnh, sản lượng đường trong nước tồn khá nhiều. Nhiều công ty sản xuất đường gặp khó trong khâu tiêu thụ, còn nông dân trồng mía đang lo đầu ra không ổn định.

Thời gian qua, giá đường trên thế giới giảm mạnh, sản lượng đường trong nước tồn khá nhiều. Nhiều công ty sản xuất đường gặp khó trong khâu tiêu thụ, còn nông dân trồng mía đang lo đầu ra không ổn định.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm nay diện tích trồng mía trong tỉnh gần 11 ngàn hécta, giữa tháng 10-2012 nông dân bắt đầu thu hoạch mía bán cho các nhà máy. Đến thời điểm này, các công ty vẫn chưa đưa ra giá bao tiêu mía khiến nông dân thấp thỏm không yên.

* Lo giá giảm

Nông dân trồng mía ở Đồng Nai chủ yếu bán nguyên liệu cho 2 doanh nghiệp là: Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán) và Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu) thuộc Công ty cổ phần đường Biên Hòa. Vụ mía năm 2011-2012, giá đường giảm, nhưng các nhà máy đều giữ nguyên giá bao tiêu sản phẩm cho nông dân có lời để giữ vùng nguyên liệu. Tuy nhiên năm nay, giá đường trên thị trường thế giới cũng như trong nước vẫn đang trên đà giảm, cộng với sản lượng đường trong nước dư thừa, nhiều công ty, nhà máy đường tồn kho còn khá lớn khiến nông dân lo lắng, tới đây giá mía sẽ giảm. Vụ thu hoạch mía năm 2012 sẽ bắt đầu từ giữa tháng 10 đến khoảng tháng 3-2013.

Nông dân xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) chăm sóc mía. Ảnh: H.Giang
Nông dân xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) chăm sóc mía. Ảnh: H.Giang

Ông Nông Văn Sự, xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), cho hay: “Năm nay, nông dân trồng mía tụi tôi ai cũng lo giá mía các nhà máy mua vào sẽ giảm, vì lượng đường trong nước dư thừa. Cả gia đình tôi sống nhờ vào lợi nhuận của 2 hécta mía. Nếu giá mía giảm, thu nhập của gia đình sẽ thấp đi”. Ông Nguyễn Văn Ngàn ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), nói:  “Từ đầu năm đến nay, giá vật tư đầu vào, tiền thuê lao động trồng, chăm sóc mía tăng 10-20%. Nếu giá mía các nhà máy mua vào giảm thì lợi nhuận của nông dân tụi tôi chẳng còn được bao nhiêu. Mùa mưa này, thời tiết bất thường, tôi lo gặp bão như cơn bão số 1 vừa qua thì coi như trắng tay”.

Ngoài nỗi lo về giá cả, nông dân trồng mía trong tỉnh còn thêm nỗi lo thời tiết bất lợi làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây mía.

* Cùng có lợi

Hiện nay, mía là cây trồng có sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Gần 90% diện tích mía trong tỉnh được nông dân ký hợp đồng bán cho 2 công ty sản xuất mía đường trên địa bàn tỉnh. Để có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho sản xuất, mỗi năm các công ty đều có chính sách hỗ trợ nông dân trồng mía vốn, kỹ thuật, giống và đưa ra giá bao tiêu. Năm nay, giá đường giảm, lượng hàng tồn kho còn lớn nên các công ty cân nhắc việc đưa ra giá mua mía sao cho cả nông dân và công ty đều có lợi.

Với những hộ ký hợp đồng bán mía, Công ty cổ phần đường Biên Hòa còn hỗ trợ vốn trồng mới, đầu tư chăm sóc từ 10-40 triệu đồng/hécta/năm. Công ty cổ phần mía đường La Ngà cũng có chính sách trợ vốn cho các hộ chăm mía lưu gốc và trồng mới từ 15-35 triệu đồng/hécta/năm kèm theo một số ưu đãi khác.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa, cho biết: “Giá mía, đường trong nước chịu sự chi phối của giá đường thế giới. Theo dự báo, nguồn cung đường của thế giới trong năm nay và năm tới sẽ thừa, vì thế giá đường trong nước sẽ còn giảm. Tuy giá đường giảm, đầu ra hạn chế, nhưng công ty sẽ tính toán, cố gắng không giảm giá mua mía của nông dân so với vụ mía 2011-2012”.

Ông Nguyễn Văn Bé Bảy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà, khẳng định: “Niên vụ 2012-2013, công ty dự tính giữ nguyên giá mía của nông dân như vụ trước là 900 ngàn đồng/tấn, mua tại ruộng. Những hộ ký hợp đồng bán mía cho công ty có nhu cầu về vốn sẽ được vay từ 15- 35 triệu đồng/hécta”. Hiện vùng mía nguyên liệu được công ty này đầu tư hơn 4 ngàn hécta. Dự kiến vụ mía tới, công ty mua và ép khoảng 290 ngàn tấn mía cây.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều