Từ đầu năm đến nay, cước vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là bằng đường biển liên tục tăng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu thêm khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, cước vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là bằng đường biển liên tục tăng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu thêm khó khăn.
Bà Nguyễn Thu Phương, Phó giám đốc Công ty chế biến gỗ Quyết Thành ở huyện Trảng Bom cho biết, trong năm 2012, ngành gỗ xuất khẩu gặp khá nhiều khó khăn, các khoản chi phí đầu vào liên tục tăng giá trong khi sản phẩm xuất đi lại không thể tăng được và đơn hàng giảm sút đáng kể.
* Tăng 3 lần trong 7 tháng
Theo bà Phương, chỉ trong vòng hai tháng 4 và 5 vừa qua, mỗi container hàng xuất đi, DN của bà phải tốn thêm khoảng 10 triệu đồng tiền cước phí vận chuyển. Tính từ đầu năm đến nay, các hãng tàu vận tải biển đã 3 lần tăng giá cước và phụ phí. Nếu so với cuối năm 2011 thì hiện nay giá cước vận tải đường biển đã tăng gấp đôi. Bà Phương liệt kê tất cả các khoản phí và phụ phí vận chuyển cho mỗi container (loại 20 feet hàng) đi châu Âu và cho biết, hiện DN phải tốn khoảng 2 ngàn USD riêng cho phần vận chuyển. “Vừa qua, khi giá xăng dầu giảm, nhiều DN mừng thầm, hy vọng giá một số nguyên vật liệu trong nước giảm sẽ bù cho chi phí sản xuất, vận chuyển đang tăng nhanh của DN, nhưng chưa được bao lâu thì giá xăng dầu đã tăng trở lại” - bà Phương ngao ngán nói.
Bốc dỡ hàng tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: Q. Khánh |
Tương tự, Công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Phương Anh ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa (chuyên làm các mặt hàng đan lát bằng lục bình và dây nhựa xuất qua thị trường Mỹ) cho biết, DN cũng “oải” với giá cước vận chuyển hiện nay. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trợ lý giám đốc công ty cho hay, năm nay do đơn hàng ít, chi phí vận chuyển lại tăng “chóng mặt” nên DN không xuất hàng trực tiếp như mọi năm nữa mà chuyển sang làm hàng gia công cho một số đơn vị khác.
* Chi phí tăng, đơn hàng bấp bênh
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, mỗi khi giá cước vận chuyển tăng, các đơn vị chuyên xuất khẩu hàng lại đẩy phần tăng đó cho nhà sản xuất khiến chi phí bị đội thêm khá nhiều. Có nhiều đơn hàng DN phải từ chối nhận làm vì tính ra bị lỗ. Tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm ở nhiều thị trường, trong khi phí vận chuyển tăng cao đã gây áp lực không nhỏ đối với DN làm hàng xuất khẩu. Anh Hùng nói: “Nhiều thị trường đang trong giai đoạn thấp điểm về tiêu thụ hàng do vào mùa hè, người dân đi du lịch, nhu cầu mua sắm tại chỗ ít. Đơn hàng sản xuất của công ty chỉ còn đến hết tháng 8-2012, tiếp đó không biết có hay không. 6 tháng đầu năm nay so với 6 tháng đầu năm 2011, lượng hàng sản xuất của DN giảm khoảng 50%”. Không riêng gì Công ty chế biến gỗ Quyết Thành hay Công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Phương Anh, nhiều DN làm hàng xuất khẩu khác cũng cho rằng chi phí vận chuyển tăng hiện nay đã tạo thêm áp lực rất lớn cho nhà sản xuất.
Các DN xuất khẩu cho biết, giá cước vận chuyển ở Việt Nam hiện nay cao hơn so với nhiều nước ở châu Á khoảng 15%. Như vậy, hàng hóa của các DN Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài bị giảm sức cạnh tranh đáng kể. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu Đồng Nai cũng cho rằng, các DN làm hàng xuất khẩu trong nước đang bị giảm sức cạnh tranh đáng kể so với các DN ở một số nước trong khu vực do nhiều khoản chi phí cao như lãi suất ngân hàng, lạm phát trong thời gian qua và hiện nay là cước phí vận chuyển tăng không ngừng.
Quốc Khánh