Từ đầu năm 2012 đến nay, giá xuất khẩu điều nhân giảm khá mạnh, từ mức trung bình 8 ngàn USD/tấn, đến nay chỉ còn 6,5-6,7 ngàn USD/tấn. Mặt khác, thị trường xuất khẩu điều cũng ảm đạm đã làm cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh điều trên địa bàn huyện Xuân Lộc chịu cảnh làm nhiều thì thua lỗ nhiều, số lượng điều tồn đọng trong kho rất lớn.
Từ đầu năm 2012 đến nay, giá xuất khẩu điều nhân giảm khá mạnh, từ mức trung bình 8 ngàn USD/tấn, đến nay chỉ còn 6,5-6,7 ngàn USD/tấn. Mặt khác, thị trường xuất khẩu điều cũng ảm đạm đã làm cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh điều trên địa bàn huyện Xuân Lộc chịu cảnh làm nhiều thì thua lỗ nhiều, số lượng điều tồn đọng trong kho rất lớn.
Công nhân Cơ sở chế biến hạt điều Thanh Thúy đem điều tồn kho ra phơi khô lại. Ảnh: T. Cường |
Bà Nguyễn Thị Liễu, chủ Cơ sở chế biến hạt điều Thanh Thúy ở xã Xuân Hiệp cho biết, trong vòng 10 năm hoạt động thì thời điểm từ tháng 5-2012 đến nay, cơ sở rơi vào tình cảnh khó khăn nhất, do thị trường tiêu thụ hầu như bị “đóng băng”. Một số công ty là đối tác kinh doanh chính của cơ sở, như: Công ty TNHH Long Sơn (TP.Hồ Chí Minh), Thảo Nguyện (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu), Ô Lam ( Ấn Độ) chỉ mua cầm chừng, chủ yếu là điều nhân loại 1 với giá 6,5 USD/kg, loại 2 là 5,7 USD/kg (giảm từ 1-1,5 USD/kg). Riêng mặt hàng điều từ loại 3 trở xuống cũng như các sản phẩm khác như dầu điều không ai mua. Việc điều giảm giá làm cho cơ sở tiếp tục thua lỗ nặng. Hiện hàng tồn kho của cơ sở đã chất cao ngất ngưởng với trên 250 tấn thành phẩm và hàng ngàn tấn hạt điều tươi chưa qua chế biến.
Trước tình cảnh này, bà Liễu buộc phải cắt giảm trên 600 trong tổng số 1 ngàn công nhân của cơ sở. Ngoài ra, với số lượng điều tồn kho lớn như hiện nay, bà Liễu còn phải tốn thêm một khoản tiền không nhỏ cho việc bảo quản và trả nợ vay ngân hàng khoảng 600 triệu đồng/tháng. Bà Liễu cho biết thêm: “Nếu như trước đây, hàng tháng cơ sở sản xuất chế biến trên dưới 600 tấn điều thô thì 4 tháng qua (từ tháng 5 đến tháng 8), cơ sở chỉ còn hoạt động một nửa công suất. Bên cạnh đó, để duy trì hoạt động và có tiền trả lãi vay ngân hàng, trả tiền công cho công nhân, bà phải liên hệ khắp nơi để tìm kiếm đầu ra, mặc dù bán điều vào thời điểm này là lỗ nặng nhưng vẫn phải chấp nhận vì không còn cách nào khác”.
Theo thống kê từ Chi cục Thuế huyện Xuân Lộc, trên địa bàn huyện hiện có tổng cộng 25 cơ sở sản xuất - kinh doanh hàng hóa, nông sản, chủ yếu kinh doanh ngành điều đang phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ từ những tác động do biến động của thị trường thế giới. Số lượng nông sản tồn kho lên đến con số trên 29 ngàn tấn, trị giá hơn 1 ngàn tỷ đồng, chủ yếu là điều. Điều này đang tác động không nhỏ đến nguồn vốn và hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản nói chung và ngành điều nói riêng, kéo theo đó là tình trạng người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, giảm thu thuế.
Ông Nguyễn Thọ Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Xuân Lộc, cho biết: “Trước tình hình giá cả các mặt hàng nông sản sụt giảm, tiêu thụ khó dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn. Các doanh nghiệp bán hàng nhưng lại không thu hồi được vốn dẫn đến nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực đóng cửa, trong đó đã có một số doanh nghiệp bị phá sản. Riêng ngành thuế, với số lượng hàng tồn đọng trên, đã thất thu khoảng 50 tỷ đồng. Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để cùng nhau tìm ra giải pháp tháo gỡ, đồng thời triển khai các chính sách ưu đãi thuế để doanh nghiệp có điều kiện vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Thanh Cường- Hải Đình