Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành công nghiệp nhựa trước sức ép thị trường

09:08, 17/08/2012

Thị trường hạt nhựa từ đầu năm đến nay tuy có giảm nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp nhựa ra vẫn không yên tâm. Không ít DN vẫn phải giảm sản xuất.

 

Thị trường hạt nhựa từ đầu năm đến nay tuy có giảm nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp nhựa ra vẫn không yên tâm. Không ít DN vẫn phải giảm sản xuất.

Sản xuất ống nhựa tại Công ty Sam Phú, Khu công nghiệp Long Thành. Ảnh: Q. Khánh
Sản xuất ống nhựa tại Công ty Sam Phú, Khu công nghiệp Long Thành. Ảnh: Q. Khánh

Chị Nguyễn Thị Thảo, Phó giám đốc Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thanh Hùng (huyện Trảng Bom) chuyên sản xuất thanh nẹp và tấm trần nhựa, cho biết: 7 tháng đầu năm nay, sản lượng hàng xuất xưởng của DNTN Thanh Hùng chỉ bằng khoảng 5 tháng đầu năm 2011. Năm nay, mặc dù giá nguyên liệu thấp hơn so với năm ngoái khoảng 4 ngàn đồng/kg nhưng không nhờ thế mà DNTN này duy trì ổn định sản xuất như mọi năm. Trung bình mỗi tháng, Thanh Hùng chỉ đưa vào chế biến được hơn 8 tấn bột nhựa các  loại thay vì 11 tấn/tháng như trong năm 2011. “Năm nay, nhờ giá bột nhựa thấp đã bù được cho những chi phí khác như giá điện, xăng dầu tăng. Trong sản xuất nhựa, giá nguyên liệu chiếm hơn 70% giá thành sản phẩm, vì vậy giá nguyên liệu giảm rất đỡ cho nhà sản xuất. Nhưng thị trường đầu ra năm nay lại khó hơn mọi năm nên DN vẫn gặp khó khăn” - chị Thảo nói.

Việc duy trì được sản xuất tốt hay không còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường. Cũng trong lĩnh vực sản xuất thanh nẹp nhựa, ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thành Công (huyện Trảng Bom) cho hay, năm nay thị trường ngành nhựa phục vụ xây dựng trong nước sụt giảm khá nhiều so với năm 2011, sức tiêu thụ hàng chậm ngay từ khoảng tháng 3. Do vậy, mục tiêu doanh thu 10 tỷ đồng  trong năm nay của Công ty TNHH Thành Công rất khó đạt được.

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện trong tỉnh có hơn 100 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nhựa và cao su để phục vụ cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh, cụ thể như: ống cấp thoát nước, pa-lết, khuôn, bao bì, dây đai, màng phủ nông nghiệp… Trong những năm qua, ngành công nghiệp nhựa và cao su của tỉnh có tốc độ phát triển nhanh.

Khó khăn của ngành nhựa cũng được anh Nguyễn Minh Quốc, chủ một đại lý vật liệu xây dựng ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa, thừa nhận: Những năm trước, mỗi tuần cửa hàng của anh tiêu thụ vài trăm ống nhựa các loại cùng với nhiều sản phẩm phụ khác, như: co nối, vòi nước… còn năm nay hàng bị ế, tồn kho khá nhiều ngay từ đầu năm.

Không chỉ các sản phẩm nhựa phục vụ cho lĩnh vực xây dựng, dân dụng mà sản phẩm nhựa cho những ngành công nghiệp khác có sức tiêu thụ cũng khá thấp. Anh Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH hàng công nghiệp Việt Thanh ở phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa cũng cho hay, năm nay công ty giảm khoảng 30% sản lượng hàng và giảm mạnh nhất bắt đầu từ tháng 7 vừa qua. Là chủ DN chuyên sản xuất các mặt hàng bao bì nhựa, đặc biệt là dây đai dành cho đóng hàng xuất khẩu, anh Bình chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, giá hạt nhựa PP tương đối ổn định, chỉ dao động từ 22-24 ngàn đồng/kg. So với tháng 7 vừa qua, giá hạt nhựa hiện nay đã giảm khoảng 800 đồng/kg. Nguyên nhân hạt nhựa có chiều hướng giảm giá là do các nhà kinh doanh đang đẩy hàng tồn. Đúng ra, đây là điều kiện tốt cho DN sản xuất nhưng đầu ra không có khiến DN vẫn không thể phát triển được”. Vì thế, sản xuất bao bì phục vụ cho việc đóng hàng xuất khẩu của Công ty TNHH hàng công nghiệp Việt Thanh cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn chung đối với các DN làm hàng xuất khẩu.

Quốc Khánh

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích