Cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về mặt nguyên tắc để các doanh nghiệp (DN) được tiếp tục nhập khẩu ô tô theo hợp đồng đã ký mà đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ hợp đồng trước ngày ban hành Thông tư 20 của Bộ Công Thương.
Cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về mặt nguyên tắc để các doanh nghiệp (DN) được tiếp tục nhập khẩu ô tô theo hợp đồng đã ký mà đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ hợp đồng trước ngày ban hành Thông tư 20 của Bộ Công Thương.
Nội dung nói trên thể hiện trong công văn số 5519 gửi Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Hải quan. Đây là động thái được xem là nhằm gỡ khó phần nào cho các DN kinh doanh xe nhập khẩu, song theo nhiều đánh giá, khe cửa hẹp này không giúp gì nhiều cho DN, đặc biệt là các DN nhỏ vốn đã lao đao suốt hơn 1 năm nay.
* Chỉ mở khe cửa hẹp
Tháng 6-2011, Bộ Công thương đột ngột ban hành Thông tư 20/2011/TT - BCT nhằm siết chặt hoạt động nhập khẩu hàng xa xỉ, giảm nhập siêu cho nền kinh tế. Thông tư này quy định, DN nhập khẩu xe mới phải đáp ứng các điều kiện: có giấy ủy quyền của hãng sản xuất hoặc được quyền phân phối, sở hữu thương hiệu hàng hóa đó. Đồng thời, phải đáp ứng điều kiện có xác nhận của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài. DN cũng phải nộp kèm giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông - vận tải cấp. Khi Thông tư 20 được áp dụng, nhiều công ty chuyên kinh doanh ô tô nhập khẩu trên phạm vi cả nước đã ý thức rất rõ, với những yêu cầu “khó như lên trời”, nguồn hàng của họ sẽ bị chặn đứng vì quyền nhập khẩu sẽ rơi vào tay một số ít DN lớn.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ cho biết, quy định mới không giúp gì nhiều cho doanh nghiệp bởi rất ít doanh nghiệp nhỏ chuyên kinh doanh xe nhập khẩu tồn tại được đến giờ. Ảnh: V. Lâm |
Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Sau khi thông tư mới được áp dụng, hàng loạt DN kinh doanh ô tô phải viết đơn cầu cứu bởi trên thực tế, hoạt động nhập khẩu ôtô nguyên chiếc luôn mất khá nhiều thời gian. Kể từ khi ký hợp đồng đến khi xe về đến cảng thường khoảng 3 - 6 tháng. Do đó, sau khi Thông tư 20 được ban hành, nhiều DN mắc kẹt với các hợp đồng nhập xe đã ký, có DN buộc phải tái xuất lại hàng do không đủ điều kiện.
Công văn 5519 hiện đã mở một phần cánh cửa khi đồng ý cho DN tiếp tục thực hiện những hợp đồng đã ký và thanh toán trước khi Thông tư 20 có hiệu lực. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm mới cho DN tiếp tục nhập xe, và chỉ gỡ bằng cách “hé” một khe cửa hẹp, tức chỉ đồng ý cho các hợp đồng đã thanh toán tiền cách đây hơn 1 năm. Về vấn đề này, nhiều DN kinh doanh ô tô nhập khẩu, đặc biệt là DN nhỏ cho rằng, khó trông đợi gì ở động thái này.
* Khó cứu DN nhỏ
Cho đến nay, chưa có số liệu cụ thể là bao nhiêu DN kinh doanh ô tô nhập khẩu tại Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung đã “chết” vì Thông tư 20. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, không nhiều DN nhỏ kinh doanh ô tô nhập khẩu có thể tồn tại sau Thông tư này, đặc biệt khi những khó khăn do chi phí tăng, sức mua giảm, lãi suất cao… kéo dài suốt hơn 1 năm qua. Giám đốc một DNTN trước đây chuyên kinh doanh xe nhập khẩu trên quốc lộ 1A, phường Long Bình (TP. Biên Hòa) đánh giá, quy định mới “không kịp” cứu DN bởi cả năm nay, nguồn hàng bị chặn đứng trong khi các chi phí khác vẫn “đều đều”: tiền thuê mặt bằng, lãi suất, lương nhân viên… khiến nhiều DN nhỏ phá sản hoặc tạm ngưng kinh doanh, trong đó có DN của ông. “Thời điểm Thông tư 20 được áp dụng, tôi ký hợp đồng nhập 1 lô hàng trị giá hàng trăm ngàn USD, cũng đã nhận đặt cọc của khách hàng, song “vướng” quy định nên đành hủy hợp đồng, phải bù tiền đặt cọc cho khách. Nay sau hơn cả năm mới cho phép nhập tiếp tục thì DN nào chờ nổi?” - giám đốc này nói. Theo đó, nguồn hàng không có, chi phí tăng nên salon của DN này mới mở không bao lâu đã phải đóng cửa, lỗ khoảng 3 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch - đầu tư, hiện địa bàn Đồng Nai có gần 700 DN có chức năng mua bán ô tô, trong đó không ít DN chuyên nhập khẩu xe về bán. Thế mạnh của những DN này là nguồn xe đa dạng với nhiều thương hiệu, giá tiền khác nhau. Vì vậy, khi Thông tư 20 áp dụng, hàng loạt salon nhỏ điêu đứng, thậm chí phá sản vì thế mạnh duy nhất của họ không còn, gần như không thể cạnh tranh với các salon xe chính hãng. |
Tương tự, anh H, giám đốc DNTN H.L.P (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết, sau Thông tư 20, DN của anh cũng ngưng hoạt động mua bán xe vì không chịu nổi chi phí duy trì salon trong khi nguồn hàng không có, mua bán khó khăn. “Quy định mới không giúp gì nhiều cho DN bởi dù cho hợp đồng còn hiệu lực, DN cũng không dám nhập vì chẳng còn vốn, thêm nữa, sức mua yếu nên dù có nhập hàng về, cũng khó lòng tiêu thụ” - anh H. cho biết. Theo anh H, hiện tại, hàng loạt salon nhỏ kinh doanh xe nhập khẩu như anh đã phải ngưng hoạt động bởi không thể gánh nổi chi phí cũng như áp lực từ các chính sách “thay đổi xoành xoạch” như trên.
Vi Lâm