Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, cuối tháng 9 và tháng 10-2012 sẽ là cao điểm của mưa, lũ. Khả năng năm nay lũ sẽ về khá cao, gây ngập lụt ở nhiều vùng trong tỉnh.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, cuối tháng 9 và tháng 10-2012 sẽ là cao điểm của mưa, lũ. Khả năng năm nay lũ sẽ về khá cao, gây ngập lụt ở nhiều vùng trong tỉnh.
Mùa mưa năm 2012 đến khá sớm vào khoảng cuối tháng 4. Năm nay, lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện lũ cao trên các sông. Đỉnh lũ trên sông La Ngà, sông Đồng Nai có thể xuất hiện vào cuối tháng 9 và trong tháng 10, xấp xỉ báo động 3. Với mức báo động 3 sẽ có nhiều xã thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu bị ngập lụt sâu.
* Đề phòng khi mưa lớn
Trong 3 năm (2009-2011), trên địa bàn tỉnh không xuất hiện lũ lớn. Mực nước trên sông La Ngà, sông Đồng Nai ở thượng nguồn chỉ đạt mức trên báo động 1 và không gây ngập lụt ở các vùng trũng. Thế nhưng, mùa mưa năm 2012, diễn biến thời tiết bất ngờ thay đổi, bão đến sớm và mưa lớn thường xuyên xảy ra ở khắp nơi trong tỉnh. Cụ thể, vào ngày 30-3 và 1-4 đã xảy ra cơn bão số 1 làm thiệt hại gần 1.600 tỷ đồng. Sau cơn bão còn kéo theo hàng loạt hệ lụy phải nhiều năm sau mới khắc phục được.
Lũ trên sông La Ngà có thể lên đến báo động 3. Ảnh: H. Giang |
Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, nhận định: “Từ nay đến cuối mùa mưa vẫn còn khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam. Bão cuối mùa hay ảnh hưởng trực tiếp đến Nam bộ. Khi xảy ra bão, thường gây mưa lớn ở thượng nguồn và làm lũ trên sông Đồng Nai, La Ngà lên nhanh có thể tới báo động 3”.
Bên cạnh đó, thời tiết tại Đồng Nai những ngày tới thường xuyên có mưa rào trên diện rộng. Trong các cơn mưa lớn thường xuất hiện dông, lốc xoáy nên các vùng cao, dốc, ven sông, suối của tỉnh dễ xảy ra lũ quét. Ngoài ra, mưa lớn cũng sẽ làm ngập cục bộ ở nhiều đoạn đường nội ô và đi qua TP. Biên Hòa, như: quốc lộ (QL) 1A, QL51, Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận… QL51 đoạn đi qua huyện Long Thành cũng thường xuyên bị ngập sâu trong nước khi có mưa lớn kéo dài. QL20 đoạn qua xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất), thường xuyên bị ngập từ 0,3-0,5m. Mưa lớn gây ngập trên các tuyến đường thường kéo theo kẹt xe kéo dài trong nhiều giờ, gây ách tắc giao thông.
* Chủ động giảm thiệt hại
Cơn bão số 1 khi vào đất liền đã chuyển thành áp thấp nhiệt đới, nhưng khi đi qua Đồng Nai lại gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Xảy ra hậu quả lớn như vậy là do chính quyền địa phương và người dân còn lơ là, chưa chủ động trong công tác phòng và chống bão. Để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất, hiện các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị các phương án phòng chống bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn khi có bão lũ.
Ngay từ đầu mùa mưa năm 2012, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có bão, áp thấp nhiệt đới, lũ để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất xảy ra để phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng ứng phó tại chỗ và lực lượng chi viện của cấp trên. Thực tế, vẫn còn một số địa phương chưa chủ động và nghiêm túc trong việc trực ban khi có mưa lớn, ngập lụt. Theo phản ánh của một số người dân, khi có mưa lớn gây ngập lụt gọi điện về số máy trực phòng chống lụt, bão của huyện nhưng không có người trực nghe máy. |
Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: “ Vừa qua, tỉnh đã tổ chức diễn tập các phương án tìm kiếm, cứu hộ và di dời dân cư đến nơi an toàn khi có bão lũ. Hiện tỉnh tiến hành kiểm tra tất cả huyện, thị, thành và những xã dễ xảy ra lũ lụt để có chỉ đạo, biện pháp cứu hộ kịp thời khi thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, muốn công tác phòng chống lụt, bão hiệu quả, các địa phương vẫn chủ động theo phương châm 4 tại chỗ, đó là: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Theo ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, năm nay thời tiết diễn biến khá bất thường, đường đi của bão, áp thấp nhiệt đới thay đổi liên tục nên người dân chú ý theo dõi dự báo thời tiết. Khi thấy bão, áp thấp đổ bộ vào phía Nam phải chủ động, vì mưa lớn thượng nguồn sẽ khiến lũ lên nhanh.
Hương Giang