Báo Đồng Nai điện tử
En

Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Huỳnh Thanh Bình: Ân hạn thuế không còn phù hợp

10:10, 17/10/2012

Ngành Hải quan mới đây đã đưa ra kiến nghị bỏ dần và tiến đến không cho doanh nghiệp (DN) được ân hạn thuế nhập khẩu (chậm nộp một thời gian) - vốn là một điều khoản có lợi cho DN đã được ấn định trong Luật Thuế xuất nhập khẩu. Nhiều DN có ý kiến trái chiều, song theo phía Hải quan, chính sách này trong thời hội nhập hiện nay xem ra không còn mấy phù hợp. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Thanh Bình Phó cục trưởng Cục Hải quan (HQ) Đồng Nai xoay quanh vấn đề này.

Ngành Hải quan mới đây đã đưa ra kiến nghị bỏ dần và tiến đến không cho doanh nghiệp (DN) được ân hạn thuế nhập khẩu (chậm nộp một thời gian) - vốn là một điều khoản có lợi cho DN đã được ấn định trong Luật Thuế xuất nhập khẩu. Nhiều DN có ý kiến trái chiều, song theo phía Hải quan, chính sách này trong thời hội nhập hiện nay xem ra không còn mấy phù hợp. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Thanh Bình Phó cục trưởng Cục Hải quan (HQ) Đồng Nai xoay quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Ông nhận xét như thế nào về chính sách ân hạn thuế hiện nay?

- Ông Huỳnh Thanh Bình: Theo tôi, ân hạn thuế không còn hợp với tình hình hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và phải chấp nhận sự bình đẳng với DN các nước khác trên thị trường quốc tế. Trước đây, Việt Nam chưa gia nhập WTO thì vấn đề ân hạn thuế không mấy ảnh hưởng, nhưng hiện nay, nhiều nước đã có ý kiến về vấn đề này bởi cho đó là một hình thức hỗ trợ sản xuất. Cùng một mặt hàng, nếu sản xuất ở nước khác, nguyên liệu khi nhập khẩu về phải nộp thuế ngay, trong khi đó ở Việt Nam thì lại được chậm nộp đến 9 tháng. Chính vì vậy, DN các nước khác so bì, coi như đây là sự hỗ trợ sản xuất của Chính phủ. Trong xuất khẩu, cứ có hình thức nào đó  được xem là trợ giá thì hầu như đều phải đối mặt với các vụ điều tra chống bán phá giá của các nước. Đơn cử là khi chúng ta miễn thuế nhập máy móc thiết bị, nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam đã bị các nước Mỹ và châu Âu sang điều tra về chống bán phá giá. Càng kéo dài ân hạn thuế, càng phải đối mặt nhiều hơn với việc điều tra chống bán phá giá của các nước, rất bất lợi.

“Cần xem lại việc ân hạn thuế để giữ bình đẳng trong sản xuất kinh doanh. Một số DN như dệt may, da giày… cho rằng nếu bỏ việc ân hạn thuế sẽ gặp khó khăn, song chính những DN đó phải có kiến nghị cụ thể là khó khăn chỗ nào? Cần hỗ trợ trong thời gian bao lâu để đủ mạnh? Hoặc là hỗ trợ vấn đề gì thay cho việc ân hạn thuế? Hiện nay, nhiều DN đang sử dụng dịch vụ bảo lãnh từ các ngân hàng để hàng nhập khẩu nhanh chóng được thông quan. DN thường lầm tưởng là nhập một lô hàng với trị giá bao nhiêu tiền về sẽ được ngân hàng bỏ ra số tiền bằng từng đó để bảo lãnh rồi tính lãi trên số tiền đó, nhưng không phải vậy. Thực tế chi phí bảo lãnh một lô hàng không đáng kể. Việc để ngân hàng bảo lãnh cũng theo thông lệ quốc tế” - ông Huỳnh Thanh Bình cho biết.

* Có hay không việc một đoàn công tác từ Mỹ sang Việt Nam điều tra vấn đề chống bán phá giá, thưa ông?

- Đó là một phái đoàn của Bộ Thương mại Mỹ sang Việt Nam điều tra về chống bán phá giá mặt hàng thép xuất khẩu sang Mỹ. Họ cũng đề cập về vấn đề ân hạn thuế.

* Chính sách ân hạn thuế có được các nước khác áp dụng như ở Việt Nam không, thưa ông?

- Tham khảo tại ngành HQ nhiều nước cho thấy, gần như không có nước nào có chính sách ân hạn về thuế. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp nhận chương trình khai báo hải quan điện tử trị giá 40 triệu USD - được xem là tiên tiến nhất, đáp ứng được theo những tiêu chuẩn thế giới và WTO. Tuy nhiên, một vướng mắc lớn của chương trình này trong nội dung không hề có mục khai báo nào là ân hạn về thuế. Nhà cung cấp cũng khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng HQ theo thông lệ quốc tế.

* Mục đích của việc ân hạn thuế là hỗ trợ cho DN có nguồn vốn mạnh hơn. Ý kiến ông ra sao?

Doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan Đồng Nai. Ảnh: K. Giới
Doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan Đồng Nai. Ảnh: K. Giới

- Thực tế qua nhiều năm theo dõi, HQ Đồng Nai phát hiện ra loại hình hiện nay được ân hạn thuế nhiều là gia công và sản xuất xuất khẩu. Loại hình này được ân hạn 9 tháng không phải nộp thuế sau khi làm ra sản phẩm xuất khẩu. DN có vốn đầu tư nước ngoài thường có nguồn vốn mạnh hơn những DN thuần túy Việt Nam. Trên địa bàn Đồng Nai có 286 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hưởng việc ân hạn thuế, trong khi DN Việt Nam chỉ là 45 DN. Kim ngạch xuất nhập khẩu của 286 DN này đạt 3,1 tỷ USD, trong khi kim ngạch của 45 DN Việt Nam chỉ có 449 triệu USD. Cần làm rõ quan điểm hỗ trợ cho ai? Hỗ trợ cho DN thuần túy Việt Nam để có vốn mạnh lên hay hỗ trợ cho tất cả các DN, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài? Nhìn ở góc độ xã hội, DN đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sản xuất kinh doanh thu lợi nhuận thì được hỗ trợ, nhưng những đóng góp của các DN về mặt xã hội thì không nhiều và chính sách nên cân nhắc điều này.

* Cục HQ Đồng Nai  đã có kiến nghị gì về vấn đề này, thưa ông?

- Trong đợt Quốc hội lấy ý kiến đóng góp để sửa đổi Luật Thuế xuất nhập khẩu vừa qua, chúng tôi cũng có đưa ra vấn đề này. HQ Đồng Nai quản lý 80% loại hình sản xuất xuất khẩu và gia công nên có số liệu minh họa rất cụ thể.

* Xin cảm ơn ông!

Khắc Giới (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều