Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời trang trung - cao cấp: Cuộc thử nghiệm thời “gian khó”

09:10, 19/10/2012

Trong thời buổi mà ngành kinh doanh nào cũng phải “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” thì tại TP. Biên Hòa gần đây lại “mọc” lên hàng hoạt showroom thời trang lớn nhỏ của các thương hiệu dành cho khách hàng từ trung lưu trở lên, cả thương hiệu trong lẫn ngoài nước.

 

Trong thời buổi mà ngành kinh doanh nào cũng phải “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” thì tại TP. Biên Hòa gần đây lại “mọc” lên hàng hoạt showroom thời trang lớn nhỏ của các thương hiệu dành cho khách hàng từ trung lưu trở lên, cả thương hiệu trong lẫn ngoài nước.

Một trong những yếu tố khiến các thương hiệu thời trang có tiếng chọn thời điểm này để ra mắt là do bên cạnh những điểm yếu, như: sức mua giảm, tồn kho cao… thì một số cơ hội cũng được các nhà đầu tư tận dụng.

* Tận dụng cơ hội

Chị Thu Quỳnh, quản lý cửa hàng giày thương hiệu Juno (đường Phạm Văn Thuận) dành cho phân khúc khách hàng trung cấp cho biết, sở dĩ chị quyết định mở cửa hàng là do nhận thấy nhu cầu sử dụng hàng hóa có chất lượng tốt, có thương hiệu và chế độ bảo hành chu đáo đang ngày càng nhiều, trong lúc hàng Trung Quốc đang dần bị “xa lánh”. “Dù có những lo ngại về sức mua, nhưng mở đại lý giai đoạn này cũng có nhiều thuận lợi: chi phí ít hơn, được gối đầu nhiều, áp lực doanh số nhẹ… Và hơn hết, nếu chờ đến khi thị trường sôi động trở lại, ai cũng muốn mở đại lý thì khó đến lượt mình” - chị Quỳnh nói.

Hàng hóa được bày bán tại cửa hàng giày Juno (TP. Biên Hòa). Ảnh: V. Lâm
Hàng hóa được bày bán tại cửa hàng giày Juno (TP. Biên Hòa). Ảnh: V. Lâm

Tương tự, một số đại lý thời trang trong và ngoài nước khác mới ra mắt tại Biên Hòa cũng cho rằng, tận dụng tốt cơ hội khi thị trường đang khó khăn thì khi kinh tế hết khủng hoảng, sức mua tăng, họ đã có một lượng khách hàng tương đối và đã ổn định về nhiều thứ. Chính vì vậy, trong vòng chưa đầy 2 năm, nhiều thương hiệu thời trang ngoại nhập, như: Adidas,  La New, Vascara, Converse, Kappa, Dr. Martens… và các nhãn hàng khá cao cấp trong nước, như: Juno, San Sciaro - Manhattan, Đan Châu, Hạnh, Vera, Mantana, trang sức PNJ… có mặt ở thị trường Biên Hòa ngày càng nhiều. Hầu hết các nhãn hàng này đều “đánh” vào người tiêu dùng trung lưu với giá hàng hóa từ 400-500 ngàn đồng đến 3 - 4 triệu đồng/món. Đi kèm với nó là hệ thống nhận diện thương hiệu, cách trưng bày, chế độ bảo hành… chuyên nghiệp.

* Vẫn thiếu “sân chơi”

Một trong những điểm khiến giới bán lẻ hàng cao cấp băn khoăn nhất là mặt bằng. Thực tế, nhiều thương hiệu đánh giá rất cao sức mua của thị trường Biên Hòa. Tuy nhiên, khi khảo sát thị trường cho thấy, không dễ tìm một mặt bằng vừa ý. Các tuyến đường trung tâm, như: Phạm Văn Thuận, 30-4, Phan Đình Phùng… hiện có giá thuê mặt bằng khá cao và tăng liên tục. Một số vị trí có giá thuê lên đến 1 triệu đồng/m2, chưa kể tính ổn định không cao. Các siêu thị như Co.op Mart, Vinatex hay BigC lại có các hạn chế riêng như diện tích có hạn, vị trí không phù hợp…

Chị Mỹ Linh, quản lý thương hiệu Đan Châu nhận xét: “Hầu hết các mặt hàng đã có chút thương hiệu đều muốn vào các trung tâm thương mại, siêu thị… bởi nhiều yếu tố: độ tin cậy cao hơn, ổn định, tập trung các thương hiệu mạnh nên dễ bán hàng hơn… giống như các trung tâm thương mại ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, như: Parkson, Diamond, Vincom, Tax… Tuy nhiên, vì chưa có mô hình nào như vậy nên hầu hết đều phải… ra đường”. Quản lý một thương hiệu thời trang ứng dụng khá nổi tiếng xuất xứ từ Mỹ có đại lý trên đường Phạm Văn Thuận cũng cho biết, ban đầu khi về thị trường Biên Hòa, doanh nghiệp rất muốn mở cửa hàng ở trung tâm thương mại hoặc siêu thị, nhưng thực tế, siêu thị hết chỗ, trung tâm thương mại thì chưa có, do đó phải đành ký hợp đồng thuê nhà mặt tiền với chi phí lên đến gần 30 triệu đồng/tháng và phải chấp nhận ký ngắn hạn từng năm.

Thời gian qua, nhiều dự án bất động sản tại TP. Biên Hòa đều đưa ra thiết kế trong đó có các tiện ích cho người dân đô thị, như: trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí… Tuy nhiên, dù biết nhu cầu này đã và đang phát sinh nhiều, song những khó khăn kéo dài hơn 2 năm qua của ngành bất động sản khiến nhiều dự án “đình đốn” như Amber Court của D2D - Berjaya; dự án nhà ở thu nhập thấp kết hợp trung tâm thương mại của Sơn An…

Giới bán lẻ trung - cao cấp hiện đang kỳ vọng sắp tới, khi một số dự án siêu thị, trung tâm thương mại đang triển khai tại TP. Biên Hòa, như: siêu thị Lotte (Hàn Quốc), Pegasus Plaza (Công ty Toàn Thịnh Phát)… ra đời sẽ tạo được một môi trường chuyên nghiệp hơn cho các nhãn hàng trung - cao cấp. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát cho biết, khi dự án Pegasus Plaza hoàn thành, khu trung tâm thương mại đầu tiên của Biên Hòa cũng sẽ đi vào hoạt động. Hiện tại, cùng với dự án nhà ở, cao ốc văn phòng… thì hạng mục này cũng đang trong quá trình chuẩn bị. “Riêng với dự án trung tâm thương mại, Toàn Thịnh Phát đã tiếp cận các đối tác và bước đầu đã có một số nhà đầu tư, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... tiến hành khảo sát. Hy vọng trung tâm thương mại này sẽ là nơi gặp gỡ của các thương hiệu lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường Biên Hòa nói riêng và các khu vực lân cận nói chung” - ông Lâm nói.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích