Xuất siêu của Đồng Nai đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vài tháng, đưa con số chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu lên trên 350 triệu USD. Đây có phải là điều đáng mừng?
Xuất siêu của Đồng Nai đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vài tháng, đưa con số chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu lên trên 350 triệu USD. Đây có phải là điều đáng mừng?
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng của năm 2012 đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2011, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng gần 19% của kim ngạch cả nước. Theo đó, xuất khẩu tăng thấp hơn so với cùng kỳ do nhiều ngành hàng nông sản, hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gặp khó khăn.
* Xuất - nhập đều giảm
Cụ thể, với nhóm hàng nông sản, trừ mặt hàng cà phê có lượng xuất khẩu tăng trưởng khá (dự kiến xuất khẩu khoảng 120 ngàn tấn, tăng khoảng 26%), các mặt hàng còn lại, như: hạt điều nhân, mật ong giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011, trong đó hạt điều nhân xuất khẩu giảm khoảng 600 tấn, tương đương 13%, mật ong giảm khoảng 900 tấn, tương đương 30%...
Sản xuất máy móc thiết bị, linh kiện điện tử tại Công ty Toshiba Việt Nam (KCN Amata). Ảnh: V. Lâm |
Về giá xuất khẩu, các mặt hàng nông sản đều có giá xuất khẩu giảm. So với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu cà phê giảm 5%, hiện ở mức 2.100 USD/tấn; giá hạt điều nhân xuất đi chỉ khoảng 1.400 USD/tấn (giảm 16-18%); giá cao su xuất khẩu giảm gần 32%, giá hiện nay khoảng 3.000 USD /tấn. Nguyên nhân giá nông sản xuất khẩu giảm là do tác động của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt do tác động của khủng hoảng nợ công châu Âu, tình hình kinh tế Mỹ còn khó khăn.
Tuy nhóm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có mức tăng trưởng khá, nhưng cũng không cao như thời điểm năm 2011, đáng chú ý là các nhóm sản phẩm thế mạnh, như: dệt may, giày dép lại tăng trưởng thấp, ở mức 9-10%.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, nhận định, nhập khẩu giảm là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều thị trường lớn, như: Mỹ, châu Âu sụt giảm nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến một số ngành gặp khó khăn, như: gỗ, gốm… Ngoài ra, không loại trừ nguyên nhân tích cực là ở một số ngành giày dép, may mặc thì nguyên phụ liệu trong nước ngày càng phong phú đáp ứng được phần nào nhu cầu của DN. Theo ông Nguyện, từ nay đến cuối năm, Đồng Nai có thể vẫn xuất siêu, và xuất siêu vì những nguyên nhân như trên chưa thể là xuất siêu bền vững. |
Về nhập khẩu, các dự đoán rằng nhập khẩu có thể tăng về cuối năm do lãi suất vay đã giảm đáng kể có vẻ chưa chính xác khi kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tháng 9-2012 chỉ đạt 901 triệu USD, tăng 0,2% so với tháng trước. Tính chung trong 9 tháng qua, nhập khẩu đạt hơn 7,5 tỷ USD, trong khi số nhập khẩu của 9 tháng của năm 2011 là trên 8 tỷ USD. Theo đánh giá, kim ngạch nhập khẩu tăng thấp do một số mặt hàng, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất cũng giảm sút đáng kể.
* Đáng mừng hay đáng lo?
Mục tiêu của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung là giảm nhập siêu, khuyến khích DN sử dụng nguyên vật liệu trong nước và được xác định là mục tiêu lâu dài. Tuy nhiên, việc chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu một cách đột ngột chỉ trong vòng 1 năm không phải là một tín hiệu đáng mừng dù trước mắt, nhập khẩu giảm khiến nhiều DN bớt lệ thuộc vào ngoại tệ, làm tỷ giá bình ổn. Theo đó, nhập siêu của Đồng Nai chủ yếu là các loại thiết bị máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất... mà trong nước chưa sản xuất được. Chỉ trong 1 năm, công nghiệp hỗ trợ trong nước khó lòng phát triển nhanh đến mức thay thế được phần lớn nguyên liệu nhập khẩu, do đó nhập khẩu giảm cũng phần nào đồng nghĩa với sản xuất suy giảm do khó khăn ở các thị trường nước ngoài lẫn khó khăn trong nước.
Trong số 30 thị trường xuất khẩu chủ yếu của Đồng Nai, Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này ước đạt 1,7 tỷ USD, không tăng so với cùng kỳ năm 2011, đặc biệt cả 2 nhóm hàng nông sản, hàng công nghiệp xuất khẩu đều sụt giảm do Mỹ gặp khó khăn về kinh tế. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đứng thứ hai với trên 1 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ 3 với gần 1 tỷ USD; Hàn Quốc trên 500 triệu USD. Thị trường xuất khẩu vào một số nước châu Âu, như: Đức khoảng 200 triệu USD; Anh gần 100 triệu USD; Ý trên 100 triệu USD... Thị trường xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng khoảng 10%. Một số thị trường mới phát triển, như: Brazil ước đạt gần 200 triệu USD; Mexico khoảng 100 triệu USD; Canada trên 100 triệu USD... |
Cụ thể, 9 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng là nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành dệt may, da giày giảm 18% so với cùng kỳ năm 2011. Kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô cũng giảm khoảng 3%, do DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tiêu thụ gặp khó khăn, sức mua thị trường giảm. Tương tự, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 700 chiếc. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của các loại nguyên liệu khác, như: nguyên liệu thuốc lá, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, kim loại thường... cũng sụt giảm. Trong xu thế suy giảm chung, theo Sở Công thương, 9 tháng qua chỉ có kim ngạch nhập khẩu nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng... tăng khoảng 16,5%, do các dự án mới nhập khẩu đầu tư tài sản cố định.
Vi Lâm