Sau gần 15 năm đi làm thuê cho các xưởng gỗ ở khắp các tỉnh, thành nhưng kinh tế gia đình vẫn eo hẹp, năm 2006, tích góp được chút vốn, anh Nguyễn Hữu Phước (ấp Độc Lập, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) lại quay về nơi mình sinh ra để thực hiện ý chí làm giàu.
Sau gần 15 năm đi làm thuê cho các xưởng gỗ ở khắp các tỉnh, thành nhưng kinh tế gia đình vẫn eo hẹp, năm 2006, tích góp được chút vốn, anh Nguyễn Hữu Phước (ấp Độc Lập, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) lại quay về nơi mình sinh ra để thực hiện ý chí làm giàu.
Đến thăm cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ của gia đình anh Nguyễn Hữu Phước - một trong những hộ vượt khó, vươn lên từ nghề gỗ, mới biết để có thành quả như ngày hôm nay không hề đơn giản. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp lại đông anh chị em, từ nhỏ anh Phước đã thấu hiểu cuộc sống khổ cực của cha mẹ khi phải vất vả nuôi các con ăn học. Học xong THPT, anh quyết định không thi vào đại học mà chọn cách lập nghiệp là đi học nghề làm đồ gỗ. Với 500 ngàn đồng, anh khăn gói lên đường “tầm sư học đạo” nơi đất khách quê người. Sau hai năm cố gắng học hành, anh đã thành thạo trong việc gia công các sản phẩm liên quan đến gỗ. Trở về quê, anh lấy vợ và thực hiện ước mơ của mình.
Bắt đầu bằng nguồn vốn vay 10 triệu đồng từ ngân hàng, được gia đình cho 6 sào đất, anh Phước mạnh dạn mua 2 cái máy xẻ gỗ. Đến nay, cơ sở của anh đã trở thành Công ty TNHH một thành viên Phước Ngân chuyên về chế biến gỗ với hàng chục công nhân.
Anh Phước tâm sự: “Cách đây 15 năm, tôi đã đi làm thuê cho các xưởng gỗ rồi. Rất đam mê nghề này nên quyết định mở xưởng gỗ tại chính địa phương mình”. Theo anh Phước, để tạo dựng được uy tín, trước hết người sản xuất phải hiểu được giá trị của sản phẩm, hiểu được nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Điều quan trọng là luôn đề cao chữ “tín” đối với khách hàng. Do đó, sản phẩm gỗ của công ty làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, có thời điểm đơn đặt hàng nhiều, không sản xuất kịp. Sau 15 năm phát triển sản xuất, từ hai bàn tay trắng, anh Phước đã tạo dựng được một cơ ngơi khang trang, khá rộng rãi để sản xuất gỗ, tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương có thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm chính ở cơ sở của anh Phước là sàn gỗ và kệ gỗ xuất khẩu. Với nỗ lực của mình, dần dà tay nghề của anh cũng được nhiều người trong vùng biết đến. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người cả trong và ngoài tỉnh đến ký hợp đồng với anh. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, công ty của anh Phước còn thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, tham gia nhiều công tác từ thiện do xã phát động, đồng thời sẵn sàng truyền nghề để anh em, bạn bè cùng vươn lên thoát nghèo. Những năm tháng vất vả, cực nhọc là cơ hội để anh Phước chứng minh tay nghề của mình. Giờ đây dù mới ở tuổi 40 nhưng anh đã là chủ sở hữu 1 công ty sản xuất, gia công đồ gỗ có tiếng trong vùng.
Phan Ngà