Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng tôn mỹ nghệ “tuột dốc”

10:11, 07/11/2012

Tiếng búa gò tôn chan chát,  tiếng máy cắt, gò tôn loạch xoạch liên hồi từ các nhà làm thùng tôn (thùng, chậu hoa bằng tôn để xuất khẩu) với xe chở hàng ra vào tấp nập... giờ đây chỉ còn trong ký ức  của người dân làng nghề sản xuất tôn mỹ nghệ xuất khẩu ở phường Hố Nai, TP.Biên Hòa.

 

Tiếng búa gò tôn chan chát,  tiếng máy cắt, gò tôn loạch xoạch liên hồi từ các nhà làm thùng tôn (thùng, chậu hoa bằng tôn để xuất khẩu) với xe chở hàng ra vào tấp nập... giờ đây chỉ còn trong ký ức  của người dân làng nghề sản xuất tôn mỹ nghệ xuất khẩu ở phường Hố Nai, TP.Biên Hòa.

Một làng nghề phát triển khá tốt trong thời gian qua nhưng hiện nay lại đang “tuột dốc” với tốc độ nhanh. Các doanh nghiệp (DN), hộ gia đình đều lúng túng tìm lối thoát.

* Hết việc làm

Anh Nguyễn Văn Quang ở KP1, có hơn 10 năm sản xuất chậu hoa bằng tôn để xuất khẩu. Những lúc cao điểm, gia đình anh phải thuê thêm 3 công nhân mới kịp làm hàng. Vậy mà gần 1 năm nay, anh phải đi làm công nhân ở  Khu công nghiệp Amata.

Một góc kho hàng tồn của Công ty TNHH Chương Thảo. Ảnh: V.Nam
Một góc kho hàng tồn của Công ty TNHH Chương Thảo. Ảnh: V.Nam

Ở KP3, ông Nguyễn Đức Tuyên đã có thâm niên 30 năm  làm nghề gò các sản phẩm bằng tôn và 13 năm làm hàng xuất khẩu. Trong nhà, trước đây ông luôn có 20 công nhân, nhưng nay chỉ còn vợ chồng ông đi kiếm hàng chợ về làm (sản xuất bông sen cho thùng tưới cây). Nhìn hơn 20 chiếc máy chuyên dụng làm tôn nằm chỏng chơ gỉ sét, ông Tuyên ngao ngán nói: “Năm ngoái còn có hàng sản xuất được khoảng 3 tháng, còn từ đầu năm tới giờ là ngưng luôn. Đầu tư máy móc khá tốn kém nhưng giờ bán đi chỉ cân sắt vụn, ở đây rất nhiều người bán như vậy. Một chiếc máy cuốn tạo gân tôn khi mua có giá hơn 1 triệu đồng nhưng cân lên bán sắt chỉ được 100 ngàn đồng. Tôi tiếc nên cố giữ lại xem thời gian nữa kinh tế khá lên, may ra có hàng sản xuất trở lại đỡ phải sắm”.

Ở phường Hố Nai, có hàng trăm hộ rơi vào cảnh như anh Quang và ông Tuyên.

* Doanh nghiệp “bẹp dúm”

Theo thống kê của UBND phường Hố Nai, trước đây trên địa bàn phường có 15 DN tư nhân và Công ty TNHH sản xuất và xuất khẩu mặt hàng tôn mỹ nghệ. Đến hết quý III năm nay, đã có 10 đơn vị làm tôn bị “bẹp dúm” và phải tuyên bố giải thể. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty luật Việt Á, đơn vị làm dịch vụ thành lập công ty kế toán và báo cáo thuế cho một số DN sản xuất nơi đây cho biết, có những DN bán hết tài sản vẫn không đủ tiền trả nợ mặc dù doanh thu trước đây lên đến trên 1 tỷ đồng mỗi tháng.

Nghề gò tôn ở Hố Nai có từ khá lâu, nhưng làm hàng xuất khẩu bắt đầu phát triển từ năm 1998. Làng nghề tập trung ở các khu phố 1, 2, 3 và 4. Nơi đây sản xuất hơn 100 mẫu mã sản phẩm mỹ nghệ bằng tôn để xuất sang thị trường châu Âu, đỉnh cao của nghề này vào những năm 2005, 2006 và 2007. Ông Nguyễn Đình Luật, Phó chủ tịch UBND phường Hố Nai, cho biết, đến năm 2008 làng nghề có trên 500 hộ sản xuất hàng xuất khẩu, số lao động từ các nơi khác tới làm thuê cho DN và hộ gia đình ở đây khoảng 2 ngàn người. Từ năm 2008 xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới, nghề này bắt đầu giảm dần và hiện chỉ còn hơn 100 hộ đang hoạt động cầm chừng.

Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Chương Thảo, ở KP3 cho hay, sản xuất tôn mỹ nghệ ở Hố Nai phụ thuộc quá nhiều vào thị trường châu Âu, nên từ khi kinh tế khu vực này gặp khó khăn, sản xuất hàng đã bị đứng lại. Có những năm doanh thu của Công ty TNHH Chương Thảo lên đến 30 tỷ đồng/năm, nhưng từ năm 2010 doanh thu của DN giảm xuống chỉ còn 15 tỷ đồng, năm 2011 còn 8 tỷ đồng và 9 tháng của năm nay mới được hơn 2 tỷ đồng. Lượng tôn nguyên liệu của DN tồn kho cao chưa từng thấy, với gần 30 cuộn tôn (150 tấn), 3 xưởng sản xuất luôn đóng cửa. “Tôi cũng còn trụ được do vốn không phải đi vay, nhưng chỉ tiền tôn tồn kho thôi cũng hết mấy tỷ đồng rồi. Hiện nay sản xuất thì không có hàng nhưng mỗi tháng vẫn phải chi hơn 20 triệu đồng để trả lương cho những công nhân cần giữ lại” - ông Chương chia sẻ.

Khắc Giới

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích