Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao đao với đường nhập lậu

09:11, 18/11/2012

Hiện nay, các nhà máy đường trong và ngoài tỉnh đã bắt tay vào sản xuất đường niên vụ 2012-2013. Điều khiến giới sản xuất đường lo lắng nhất là, nếu không khống chế được đường nhập lậu thì cả nông dân trồng mía lẫn các nhà máy đường đều gặp khó.

Hiện nay, các nhà máy đường trong và ngoài tỉnh đã bắt tay vào sản xuất đường niên vụ 2012-2013. Điều khiến giới sản xuất đường lo lắng nhất là, nếu không khống chế được đường nhập lậu thì cả nông dân trồng mía lẫn các nhà máy đường đều gặp khó.

Theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam thì niên vụ 2012-2013, cả nước sẽ sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn đường, vượt nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 150 ngàn tấn. Do đó, để giải phóng đường tồn kho trước khi bước vào vụ đường mới, nhiều nhà máy phải giảm giá bán xuống mức hòa vốn hoặc lỗ từ 400-500 đồng/kg.

* Nhà sản xuất bất an

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định: “Đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam qua các cửa khẩu Campuchia và Lào mỗi năm lên đến 300-400 ngàn tấn, chiếm 30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước. Đường nhập lậu khiến Chính phủ thất thu vài trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm và còn khiến các nhà máy sản xuất đường, nông dân trồng mía bị ảnh hưởng nặng nề”. Theo ông Long, giá đường trong nước do các nhà máy bán ra thời gian qua liên tục giảm sâu và đầu ra rất khó khăn, làm  không ít nhà máy đường rơi vào cảnh lao đao.

Sản xuất đường tại Công ty cổ phần đường Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Ảnh: H. Giang
Sản xuất đường tại Công ty cổ phần đường Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Ảnh: H. Giang

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết: “Đường Biên Hòa có thương hiệu trên thị trường lâu năm, nhưng thời gian qua cũng bị ảnh hưởng lớn từ đường nhập lậu. Để giải phóng đường tồn kho, công ty buộc phải giảm giá bán xuống mức huề vốn. Giá đường bán ra giảm, công ty vẫn cố giữ giá mua mía của nông dân không giảm để đảm bảo vùng nguyên liệu. Tới đây, nếu Nhà nước không khống chế được đường nhập lậu thì cả nhà máy sản xuất lẫn nông dân trồng mía khó trụ nổi”.

Tương tự, ông Nguyễn Giỏ, Phó trưởng phòng Kinh doanh của Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán) khẳng định: “Vừa qua, để giải phóng hơn 3 ngàn tấn đường tồn kho, công ty buộc phải bán dưới giá thành 500 ngàn đồng/tấn. Với giá mua mía niên vụ 2012-2013 từ 900.000 -1.050.000 đồng/tấn (giá tại bàn cân nhà máy) thì doanh nghiệp đang lỗ nặng. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của công ty là cơ quan chức năng không để đường nhập lậu tràn vào gây hại cho nhà sản xuất và nông dân trồng mía”.

* Đường lậu thắng thế về giá

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường nhập lậu từ Thái Lan về Việt Nam có giá rất rẻ, chỉ khoảng 12-13 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá trong nước từ 7 -8 ngàn đồng/kg. Đường lậu vào thị trường nội địa với số lượng lớn đang làm suy yếu dần ngành mía đường Việt Nam, trong khi cơ quan chức năng vẫn không hạn chế được tình trạng nhập lậu.

Hiện tại, mỗi năm Việt Nam vẫn phải cấp hạn ngạch nhập khẩu đường với số lượng hạn chế theo cam kết khi gia nhập WTO, song các nhà sản xuất cho biết, đường nhập khẩu chính ngạch được Chính phủ khống chế số lượng và nếu vượt quá hạn ngạch phải chịu thuế từ 80-100% nên không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp. Chỉ có đường nhập lậu vẫn là nỗi lo lớn nhất đối với các nhà máy và nông dân. Vì ngoài giá rẻ, đường nhập lậu còn “đội lốt” đường của các nhà máy có tên tuổi trên thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa thì thời gian qua, công ty đã phát hiện được nhiều vụ đường nhập lậu giả thương hiệu đường Biên Hòa.

Để cứu ngành đường và nông dân trồng mía trong nước, ngoài việc Nhà nước phải tăng cường kiểm soát hạn chế đến mức thấp nhất đường nhập lậu vào Việt Nam thì các nhà máy và nông dân cần có giải pháp tự cứu mình. Cụ thể, nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng của cây mía. Phía các nhà máy đường nên đổi mới công nghệ sản xuất để hạ giá thành.

Thực tế, tình trạng đường nhập lậu tràn vào Việt Nam nhiều là do giá đường trong nước cao hơn nhiều so với giá đường của các nước lân cận. Lý do là nguyên liệu mía của Việt Nam so với các nước lân cận và thế giới có chất lượng kém nhất, mà giá lại cao nhất. Để sản xuất 1 kg đường thì các nhà máy đường trong nước mất 12.500 đồng tiền mua mía, còn doanh nghiệp Thái Lan chỉ mất hơn 6 ngàn đồng. Vì thế, giá thành sản xuất đường trong nước khoảng 15.500 đồng/kg, ở Thái Lan chỉ gần 10 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Công Châu, một nông dân có diện tích mía lớn ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Vừa qua, gia cầm nhập lậu về đã góp phần đẩy người chăn nuôi đến bờ vực phá sản. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn các ngành chức năng vào cuộc, số lượng gia cầm nhập lậu giảm hẳn. Như vậy chẳng có lý nào, đường nhập lậu về vài trăm ngàn tấn mỗi năm, Nhà nước lại không thể khống chế?”.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều