Tập trung đầu tư cho các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) là bước đột phá của Đồng Nai trong năm 2012. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhiều người dân vùng nông thôn trong tỉnh đã được cải thiện. Năm nay, nhiều địa phương đã vượt khó để cán đích xây dựng NTM.
Bài 2: Đột phá xây dựng nông thôn mới
Tập trung đầu tư cho các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) là bước đột phá của Đồng Nai trong năm 2012. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhiều người dân vùng nông thôn trong tỉnh đã được cải thiện. Năm nay, nhiều địa phương đã vượt khó để cán đích xây dựng NTM.
Nông dân xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) tham gia sản xuất trên cánh đồng lúa chất lượng cao. |
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 25% xã (tương đương 34 xã) hoàn thành việc xây dựng NTM. Để hoàn thành kế hoạch trên, tất cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã đều tập trung nhân lực, vật lực thực hiện.
Chung sức
Năm 2012, toàn tỉnh đã đầu tư trên 1.100 tỷ đồng cho các xã theo tiêu chí NTM. Trong đó, đa số nguồn vốn làm đường giao thông, công trình thủy lợi, xây dựng trường học… Ngoài nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ thì người dân các xã cũng góp sức không nhỏ trong việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đặc biệt là ở 34 xã điểm có nhiều phong trào tạo bước đột phá mới, như: hiến đất làm đường, áp dụng kỹ thuật tăng năng suất. Trong đó có những hộ sẵn sàng hiến đất trị giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để mở rộng đường cho nhiều bà con cùng hưởng lợi.
Ông Nguyễn Thành Công ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu đạt năng suất cao nhờ tham gia cánh đồng lúa chất lượng cao. |
Ông Phạm Văn Chương ở ấp 1, xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ), cho hay: “Trước đây, đường vào khu dân cư này rất hẹp, đi lại khó khăn. Vào ngày mưa đường trơn trượt, học sinh thường xuyên bị ngã, quần áo lấm lem. Đầu năm 2012, tôi đã hiến 100m2 đất mặt tiền và 20 triệu đồng để làm đường”. Hiện con đường Bưng A, ấp 1 đã được mở rộng, trải đá. Những hộ dân sống phía trong không còn phải lo lắng việc đi lại. Cũng nhờ có đường đi lại thuận tiện, nông sản của nông dân bán với giá cao. Tương tự, tại xã Bình Lộc (TX. Long Khánh), gần 100 hộ dân đã hiến đất để làm đường liên ấp. Có đường đi thuận tiện, đầu ra của nông sản khá thuận lợi. [links(right)]
Để có bước đột phá trong chương trình xây dựng NTM, các sở, ngành tăng cường hỗ trợ cho người dân ở các xã điểm. Cụ thể, ngành nông nghiệp ưu tiên xây dựng các mô hình thí điểm, tổ chức hội thảo nhằm chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân. Ngân hàng hỗ trợ vốn cho nông dân để đầu tư máy móc, phân bón và mua các giống mới chất lượng đưa vào sản xuất. Còn các đoàn thể vận động người dân tham dự các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trong sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Công ở ấp Cây Xoài, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Sau gần 3 năm xã Tân An được chọn xây dựng NTM, đời sống của gia đình tôi khấm khá hẳn lên. Có được như hiện nay là nhờ ngành nông nghiệp chuyển giao kỹ thuật để tôi và bà con trong ấp cùng tham gia cánh đồng lúa chất lượng cao, năng suất tăng thêm 1-2 tấn/hécta/vụ”.
Về đích sớm
Năm 2012, sản xuất nông nghiệp không mấy thuận lợi, nhưng nhờ tìm ra được bước đột phá nên các xã điểm xây dựng NTM vẫn có bước tăng trưởng nhảy vọt. Có những xã cuối năm 2011, mới đạt 5-6 tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng NTM do Chính phủ ban hành nhưng đến cuối năm 2012 đã tăng thêm 5-10 tiêu chí. Điển hình như các xã: Suối Cao, Bảo Hòa, Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), Xuân Tân (TX. Long Khánh)...
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Từ khi Tân An được chọn làm xã điểm xây dựng NTM, mỗi năm xã được hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, sau đó triển khai cho nông dân. Ngoài ra, đường, trường học, trạm y tế được đầu tư nâng cấp nên bộ mặt nông thôn của xã có những thay đổi đáng kể, đời sống người dân được nâng lên”.
Ông Nguyễn Hữu Định, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm Phó chánh văn phòng điều phối xây dựng NTM Đồng Nai, nhận định: “Trong năm 2012, chương trình xây dựng NTM tạo ra bước đột phá là nhờ tập trung nguồn kinh phí hỗ trợ cho sản xuất, xây dựng hạ tầng. Trong đó, tỉnh ưu tiên việc chuyển giao khoa học kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng để nâng cao đời sống cho người dân”.
Trong những năm tới mục tiêu của tỉnh vẫn là ưu tiên đầu tư cho chương trình xây dựng NTM nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn.
V.Lâm - H.Giang - T.Thúy