Hội chợ mua sắm cuối năm 2012 do Trung tâm xúc tiến thương mại, Sở Công thương Đồng Nai phối hợp với Công ty cổ phần xúc tiến thương mại và quảng cáo quốc tế (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh từ 29-12-2012 đến 3-1-2013. Theo thông tin từ Ban tổ chức, hội chợ quy tụ trên 350 gian hàng của khoảng 150 đơn vị, doanh nghiệp (DN).
Hội chợ mua sắm cuối năm 2012 do Trung tâm xúc tiến thương mại, Sở Công thương Đồng Nai phối hợp với Công ty cổ phần xúc tiến thương mại và quảng cáo quốc tế (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh từ 29-12-2012 đến 3-1-2013. Theo thông tin từ Ban tổ chức, hội chợ quy tụ trên 350 gian hàng của khoảng 150 đơn vị, doanh nghiệp (DN).
Nhiều quầy bán giày dép ghi tên cơ sở trong nước nhưng chủ yếu bán hàng Trung Quốc. Ảnh: B.Nguyên |
Hội chợ tập trung cho ngành hàng thời trang, may mặc, giày dép và đồ gia dụng… Tuy nhiên, những ngành hàng này lại tràn ngập sản phẩm nhập khẩu, nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ, trong khi đó thương hiệu Việt chất lượng cao chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đa dạng hàng... Trung Quốc
Theo ghi nhận của phóng viên, các gian hàng may mặc, giày dép, trang sức, hóa mỹ phẩm, gia dụng… chiếm tỷ lệ cao trong hội chợ. Trong đó, nhiều gian hàng bán nội y, giỏ xách, đồ chơi trẻ em chỉ toàn hàng Trung Quốc. Nhiều mặt hàng như: quần áo, giày dép, hóa mỹ phẩm… rất khó xác định nguồn gốc hàng hóa vì ghi nhãn nước ngoài nhưng thiếu nhãn phụ. Nhiều gian hàng giày dép, tuy đề tên của một cơ sở sản xuất Việt Nam nhưng những mẫu giày dép có in nhãn Việt chiếm tỷ lệ rất nhỏ, còn chủ yếu là các sản phẩm in chữ nước ngoài, trong đó không thiếu những mẫu nhái các thương hiệu nước ngoài.
Mặt hàng may mặc chiếm tỷ lệ khá cao tại hội chợ. Ngoài một số gian hàng chuyên bán sản phẩm Việt, mỗi mẫu quần áo đều có nhãn mác với đầy đủ thông tin về DN, địa chỉ nơi sản xuất, còn đa số gian hàng quần áo còn lại chỉ toàn sản phẩm in mạc chữ nước ngoài. Một số mẫu có nhãn phụ ghi dòng chữ “Made in Viet Nam” nhưng không hề có thông tin gì thêm.
Điều đáng nói trong hội chợ lần này, đồ gia dụng cũng tràn lan hàng Trung Quốc, từ đôi đũa, chén dĩa nhựa, khay, thau inox đến các dụng cụ xay hành tỏi, bộ dao kéo… Ngoài ra, các sản phẩm, như: đèn pin, máy soi tiền, máy may tay, dụng cụ đấm bóp, massage… cũng đều là hàng “Made in China”.
Thiếu vắng thương hiệu Việt
Tại hội chợ mua sắm cuối năm, các thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sản phẩm nội cũng chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất. Nhóm hàng may mặc, giày dép, đồ gia dụng… chỉ xuất hiện lác đác vài nhãn hàng Việt, chủ yếu là các cơ sở hoặc DN nhỏ, ít được thị trường biết đến.
Ông Đinh Hùng Cường, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Đồng Nai thừa nhận, Ban tổ chức có thống nhất hội chợ thu hút hàng thương mại để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cấp bình dân. Hội nhập quốc tế nên ta không thể phân biệt, đối xử với hàng nước ngoài, vấn đề là phải kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp, khi cơ quan chức năng vắng mặt thì người bán có thể trà trộn những sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém vào. Về vấn đề thiếu thông tin trên nhãn mác hàng hóa, ông Cường cho biết thêm, ngay cả những công ty lớn vẫn gặp vấn đề về nhãn mác. Thực tế nhiều sản phẩm lưu hành trên thị trường cũng không có nhãn mác và cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa thường căn cứ vào hóa đơn, chứng từ do đơn vị kinh doanh, sản xuất cung cấp.
Bình Nguyên