Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung gỡ khó cho sản xuất - kinh doanh

11:12, 26/12/2012

Hơn 60 điểm cầu trong cả nước đã cùng tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, diễn ra trong hai ngày 25 và 26-12. Hội nghị đã chỉ rõ, nhiệm vụ năm 2013 cơ bản vẫn là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.

Hơn 60 điểm cầu trong cả nước đã cùng tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, diễn ra trong hai ngày 25 và 26-12. Hội nghị đã chỉ rõ, nhiệm vụ năm 2013 cơ bản vẫn là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong   năm 2013.  (Ảnh minh họa).
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013. (Ảnh minh họa).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã có báo cáo khá chi tiết về những kết quả đạt được trong năm 2012 - năm được đánh giá là rất khó khăn về kinh tế.

Cơ bản hoàn thành mục tiêu

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, năm 2012 lạm phát đã được kiềm chế đúng hướng, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường…, thị trường trong nước năm 2012 cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 ước đạt 741,5 ngàn tỷ đồng, tăng 0,14% so với dự toán, tăng 5,3% so với năm 2011. Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 5,03% -  mức tăng này thấp hơn kế hoạch đề ra là 6 - 6,5%, nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 5-8% so với cuối năm 2011; rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát; tỷ giá và thị trường ngoại hối khá ổn định; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên.  Song, tín dụng vẫn tăng trưởng thấp hơn với mục tiêu đề ra; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao. Tính đến 20-12-2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 19,85% so với tháng 12-2011. Huy động ước tăng 20,29%, trong đó, huy động bằng VND tăng 24,81%, huy động bằng ngoại tệ giảm 0,2%. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,45% so với cuối năm 2011.

Gỡ khó cho sản xuất

Dự đoán tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong hội nghị lần này, Chính phủ đã đưa ra dự thảo nội dung nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trình bày.

Kết luận hội nghị trực tuyến vào sáng 26-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, những nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong năm 2013 là những thách thức rất lớn, đòi hỏi các cấp phải cùng nhau quán triệt, tổ chức thực hiện quyết liệt trên tinh thần trách nhiệm cao. Theo đó, các nhiệm vụ quan trọng của năm 2013 cần tiếp tục lưu ý là: tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế lạm phát dưới mức 6,81%. Đi kèm với đó là các giải pháp, như: kiểm soát giá cả, điều hành tiền tệ và tỷ giá một cách linh hoạt; cân đối thu - chi ngân sách… Tiếp nữa là các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng công tác tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh theo các nhóm giải pháp mà nghị quyết chuyên đề đã đề cập.

Theo đó, Chính phủ đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013, trong đó có việc tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 6,81%, đồng thời dự kiến 9 nhóm giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành. Phần trình bày của Phó thủ tướng cho thấy, dự thảo gồm nhiều nội dung lớn xoay quanh giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển; giải quyết nợ xấu…

Nội dung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tập trung vào 4 nhóm công việc, gồm: giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư; giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; giải pháp về vốn, tín dụng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Dự thảo nghị quyết đề ra một số  giải pháp lớn để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản: tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng  đất đai, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển đô thị… Phần giảm chi phí cho sản xuất, dự thảo đề xuất giảm 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho nhiều đối tượng, như: doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…

Để giải quyết nợ xấu, dự thảo nghị quyết yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đánh giá lại nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản… để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại nợ xấu. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định an toàn hoạt động tín dụng nhằm kiểm soát, hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động triển khai các biện pháp tự xử lý nợ xấu… Song song đó, xây dựng và triển khai phương án xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp. Nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định về miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng. Ban hành và sửa đổi các quy định nhằm tạo khung pháp lý hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ….

Vi Lâm (tổng hợp)

 

 

Tin xem nhiều