Báo Đồng Nai điện tử
En

“Nhà nghèo” ăn trái cây ngoại

10:12, 02/12/2012

Trước đây, trái cây ngoại nhập thường được ưu tiên trưng bày ở vị trí đẹp trong các chợ, siêu thị… vì là sản phẩm hạng sang chỉ người có tiền mới mua sử dụng. Tuy nhiên hiện tại, trái cây trong nước đang dần thay thế vị trí của hàng nhập vì người tiêu dùng ngày càng chuộng đặc sản Việt.

Trước đây, trái cây ngoại nhập thường được ưu tiên trưng bày ở vị trí đẹp trong các chợ, siêu thị… vì là sản phẩm hạng sang chỉ người có tiền mới mua sử dụng. Tuy nhiên hiện tại, trái cây trong nước đang dần thay thế vị trí của hàng nhập vì người tiêu dùng ngày càng chuộng đặc sản Việt.

Trong khi đó, trái cây “ngoại”, chủ yếu từ Trung Quốc lại đang chuyển vị trí từ các chợ trung tâm về vùng ven, chợ tạm thu hút giới bình dân nhờ giá rẻ. Theo đại diện của Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), sau hàng loạt thông tin trái cây Trung Quốc nhiễm độc, người tiêu dùng chê nên giá bỏ mối của nhiều loại trái cây Trung Quốc đang giảm mạnh.

* Chuộng hàng trong nước

Chị Hoa, chủ cửa hàng trái cây tại chợ Biên Hòa cho biết, hiện cửa hàng chị không còn kinh doanh trái cây Trung Quốc vì ít khách mua, hàng nhập cũng chỉ có vài loại trái, như: nho Mỹ, táo Australia… còn lại đều là trái cây trong nước. So với vài năm trước, nhiều loại trái cây ngoại đang dần bình dân hóa, trong khi giá đặc sản nội tăng cao nhưng người tiêu dùng vẫn nghiêng hẳn về trái cây Việt. Chị Hoa dẫn chứng, so với 2 năm trước, giá mãng cầu, vú sữa, chôm chôm… tăng gấp đôi trong khi táo, nho, cam, quýt nhập khẩu chỉ nhích nhẹ, thậm chí có nhiều loại giảm giá mạnh.

Nho xanh Trung Quốc “đội lốt” nho Mỹ với giá 30 ngàn đồng/kg tại chợ Hóa An.         Ảnh: B. NGUYÊN
Nho xanh Trung Quốc “đội lốt” nho Mỹ với giá 30 ngàn đồng/kg tại chợ Hóa An. Ảnh: B. NGUYÊN

Ông Nguyễn Thanh Sang, chủ DNTN Quê Hương Tân Triều (TP. Biên Hòa), chuyên cung cấp bưởi tươi và các sản phẩm chế biến từ bưởi chia sẻ, giá trị trái bưởi tăng nhanh từng năm. Cụ thể, cùng kỳ năm ngoái, giá bưởi Tân Triều mua tại vườn chưa đến 200 ngàn đồng/12 trái, hiện đã tăng lên thêm 100 ngàn đồng mà vẫn không có hàng để lấy. Trước đây, trái bưởi Tân Triều chủ yếu chỉ tiêu thụ trong vùng thì nay được vận chuyển bằng  máy bay về tận các tỉnh phía Bắc. Trái bưởi Tân Triều trở thành đặc sản hạng sang, chỉ những người sành ăn mới mua sử dụng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã xoài Suối Lớn, huyện Xuân Lộc cho rằng, giá trị trái cây Việt ngày càng cao. Nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, nhiều loại đặc sản sản xuất quanh năm với chất lượng ngon, hình thức bắt mắt không thua gì hàng ngoại. 

* Hàng ngoại dạt về vùng ven

Dạo quanh các chợ trung tâm thành phố, có thể thấy tại nhiều sạp hàng, trái cây trong nước đang chiếm ưu thế và được trưng bày ở vị trí mặt tiền. Trái cây ngoại, nhất là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất thấp. Nhưng tại các chợ tự phát, chợ vùng ven, nhất là những khu vực tập trung đông công nhân, trái cây Trung Quốc vẫn thu hút khách nhờ giá rẻ.

Ở các chợ, như: Hóa An, Long Bình, Trảng Dài (TP. Biên Hòa), nơi đối tượng khách hàng chủ yếu là công nhân, người lao động thu nhập thấp, nho Trung Quốc “đội lốt” nho Mỹ giá bán chỉ 30 ngàn đồng/kg nho xanh và 80 ngàn đồng/kg nho đỏ. Đa số các loại trái cây “ngoại” còn lại đều được niêm yết giá với mức rẻ bất ngờ: lựu 15 ngàn đồng/kg, cam đỏ 30 ngàn đồng/kg, táo có nơi chào giá chỉ 10 ngàn đồng/kg... Nhiều người đánh cả xe tải nhỏ chở đầy lựu, quýt Thái Lan... dừng tại các tuyến đường, chợ tạm tập trung đông công nhân để “xổ” hàng. Nếu chú ý, khách có thể thấy những thùng xốp đựng hàng chất bên trong xe vẫn còn nhãn chữ Trung Quốc, dù đa phần người bán đều khẳng định đây là trái cây Việt.

Chị Hiệu, một người dân ở thị trấn Long Thành cho biết, ở chợ trung tâm của huyện bây giờ không còn cảnh đâu đâu cũng bày bán cam vàng, táo Tàu, nho Mỹ như trước vì nhiều bà nội trợ e ngại trái cây Trung Quốc. Nhưng ở chợ tạm hay dọc các tuyến đường gần mấy khu công nghiệp, mặt hàng này vẫn được bày bán tràn lan, thu hút người mua nhờ giá rẻ. 

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích