Tuy e ngại thị trường tết năm nay sức mua tăng chậm nhưng kế hoạch sản xuất của nhiều thương hiệu bánh kẹo Việt vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện xu hướng ủng hộ của người tiêu dùng dành cho hàng Việt ngày càng tăng.
Tuy e ngại thị trường tết năm nay sức mua tăng chậm nhưng kế hoạch sản xuất của nhiều thương hiệu bánh kẹo Việt vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện xu hướng ủng hộ của người tiêu dùng dành cho hàng Việt ngày càng tăng.
Theo giới kinh doanh, tỷ lệ hàng Việt ngày càng tăng trong giỏ hàng đi chợ ngày tết của người tiêu dùng. Sản phẩm nội chiếm ưu thế từ các món ăn hàng ngày, bánh, kẹo, trái cây chưng tết đến các mặt hàng gia dụng, may mặc.
* Tăng đặc sản Việt
Trên thị trường tết, các đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng đều là hàng Việt, từ tôm khô, mực tẩm, bò khô đến các loại dưa món, bánh, mứt... Chị Hoa, tiểu thương bán thực phẩm tại chợ Biên Hòa cho biết, hàng tết của cửa hàng chị bán có rất nhiều đặc sản Việt, từ những loại mứt đến bánh, kẹo các loại. Bánh, kẹo nhập chỉ có vài dòng hàng và rất kén khách mua vì giá thành cao. Còn bánh, kẹo Trung Quốc, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc bị người tiêu dùng e dè khi mua.
Bánh kẹo thương hiệu Việt chiếm lĩnh thị trường tết. |
Không chỉ tại chợ truyền thống mà các siêu thị, trung tâm thương mại đang dần có xu hướng tăng hàng đặc sản địa phương phục vụ nhu cầu mua sắm tết của khách hàng. Theo đại diện siêu thị Big C Đồng Nai, nhằm gia tăng tỷ lệ hàng địa phương trong siêu thị, Big C đã tổ chức nhiều hội thảo kết nối các nhà sản xuất tại địa phương. Đến nay, trên 90 nhà sản xuất vừa và nhỏ trực tiếp ký hợp đồng hợp tác với Big C với tổng giá trị ước tính lên đến 100 tỷ đồng. Riêng hàng tết, Big C chuẩn bị hơn 250 tấn các loại mứt, kẹo truyền thống. Trong đó, siêu thị giới thiệu một số sản phẩm mới, như: trái cây sấy phục vụ thị trường miền Bắc, mứt dừa nước, hạt hạnh nhân phục vụ thị trường miền Nam. Năm nay, nhiều đặc sản vùng miền được đưa vào phục vụ tết, như: chả bò hương vị Đà Nẵng; đặc sản Lạng Sơn, như: măng ngâm mắc mật, bánh nẳng, bánh mật Vĩnh Phúc; bánh tét hương vị miền Tây Nam bộ; lạp xưởng Sóc Trăng... Ngay cả mặt hàng thịt nguội, giò chả cũng được siêu thị đặt hàng sản xuất phù hợp với khẩu vị từng vùng Bắc, Trung, Nam.
Trái cây cũng là mặt hàng được quan tâm nhiều trong dịp tết. Năm nay, từ siêu thị đến chợ truyền thống, các loại đặc sản miệt vườn được đưa vào phục vụ nhu cầu ẩm thực và trưng bày ngày tết, như: dưa hấu, bưởi, cam, xoài, mãng cầu…
* Hàng nội át hàng ngoại
“Tết dùng hàng Việt” không chỉ là mục tiêu được đặt ra trên lý thuyết của cuộc vận động cho hàng trong nước mà điều này đã thể hiện xu hướng ưu tiên sử dụng hàng nội của người tiêu dùng trong mùa tết năm nay.
Tết năm nay, Big C đưa thêm nhiều đặc sản Việt phục vụ khách hàng. Ảnh: CTV |
Cụ thể, bánh, kẹo Việt là một trong những mặt hàng tết đang chiếm lĩnh thị trường. Ngoài ưu thế hợp khẩu vị người Việt, bánh kẹo nội ngày càng được ưa chuộng còn vì doanh nghiệp không ngừng đầu tư cải tiến mẫu mã, đa dạng chủng loại nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng. Theo thông báo của nhiều siêu thị, như: Big C, Co.op Mart, Vinatex... 90% bánh, kẹo bán tại những trung tâm này là hàng Việt. Mỗi nhà cung cấp đều có các mặt hàng phong phú, từ dòng trung bình đến sản phẩm cao cấp. Bánh, kẹo ngoại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong các giỏ quà biếu tết, chỉ một số loại rượu là hàng nhập, còn lại đều là sản phẩm trong nước.
Tăng cường kiểm tra giá cả thị trường tết Theo Sở Công thương, từ nay đến Tết Nguyên đán 2013, sở sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng việc kiểm soát, ngăn chặn các hành vi mua gom lương thực, thực phẩm làm phát sinh nguy cơ mất cân đối cung cầu hàng hóa; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Sở cũng tổ chức các kênh thông tin để dự báo tình hình, chủ động nắm giá cả thị trường và cung cầu hàng hóa. Tại các huyện, TX. Long Khánh, TP. Biên Hòa sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý giá cả; thực hiện công khai các thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, công tác chống buôn lậu, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại cũng được tăng cường từ nay đến cuối năm. |
Cuối năm vẫn được xem là mùa của hàng trôi nổi, hàng Trung Quốc giá bèo. Nhưng năm nay, ngay cả các chợ ở nông thôn, chợ công nhân, người tiêu dùng cũng đang chuyển sang sử dụng hàng nội chất lượng cao, nhất là với mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng, thời trang.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc siêu thị Vinatex Biên Hòa 2 nhận xét, sự quan tâm của người tiêu dùng với hàng may mặc nội địa, nhất là ở khu vực nông thôn và đối tượng công nhân ngày càng tăng. Bà Hằng dẫn chứng, do kinh tế khó khăn, doanh thu của siêu thị giảm trong các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ vui công nhân nhưng riêng mặt hàng thời trang, may mặc vẫn tăng trưởng. Điều này càng rõ khi ở những địa bàn siêu thị từng tham gia bán hàng, lượng khách đến mua tăng. Mùa tết năm nay, tại những cửa hàng tiện lợi phục vụ công nhân, Vinatex sẽ tăng khoảng 30% sản lượng hàng hóa, tập trung vào mặt hàng thời trang, may mặc.
Bình Nguyên