Mặt bằng giá cả từ đầu năm 2012 đến nay được đánh giá là khá ổn định so với mọi năm, bởi chỉ số giá tiêu dùng tại Đồng Nai tăng chưa quá 7% trong 11 tháng. Thế nhưng, khi tính toán sức mua thị trường Tết Nguyên đán để chuẩn bị hàng hóa, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn không dám mạnh tay.
Mặt bằng giá cả từ đầu năm 2012 đến nay được đánh giá là khá ổn định so với mọi năm, bởi chỉ số giá tiêu dùng tại Đồng Nai tăng chưa quá 7% trong 11 tháng. Thế nhưng, khi tính toán sức mua thị trường Tết Nguyên đán để chuẩn bị hàng hóa, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn không dám mạnh tay.
Dây chuyền giết mổ gia cầm sạch của D & F. |
Thời điểm này, nhiều nhà sản xuất lẫn bán lẻ hàng tiêu dùng đang chính thức bước vào mùa làm ăn, dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ, tết, như: Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán trong tâm trạng khá… hồi hộp.
* “Ẩn số” sức mua
Đã bắt tay vào chuẩn bị nguyên vật liệu, “gom góp” đơn hàng… song nhiều DN vẫn nhận định, sức mua thị trường tết 2013 vẫn còn là ẩn số. Đại diện Công ty cổ phần bánh kẹo Bibica cho biết, dự kiến, sản lượng của Bibica tết 2013 là 1.200 tấn bánh, kẹo các loại, tăng 15% so với năm ngoái, tập trung vào hai dòng bánh kẹo cao cấp và truyền thống. Trong đó, dòng sản phẩm cao cấp sẽ có giá cạnh tranh so với các thương hiệu nước ngoài với chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, DN cho biết vẫn rất dè dặt khi đánh giá sức tiêu thụ mùa mua sắm cuối năm.
Cũng đang trong quá trình dự trữ hàng hóa chuẩn bị bán tết, các siêu thị lớn trên địa bàn TP. Biên Hòa như Big C, Co.op Mart, Vinatex… cho biết, lượng hàng tết dự kiến tăng thêm 30-40%, không thấp hơn bao nhiêu so với tết mọi năm, song sẽ phải tính đến việc tăng thật nhiều khuyến mãi để thu hút khách hàng, tránh tồn kho bởi nhiều nguyên nhân, như: sức mua giảm, cạnh tranh cao. |
Theo nhiều nhận xét, mùa tết 2013, sức mua chưa có cơ sở tăng nhiều so với năm 2012 bởi người tiêu dùng vẫn đắn đo khi mua sắm hàng hóa. Khảo sát một số DN ngành thực phẩm khác cũng cho thấy, thông thường sức mua hàng tết tăng khoảng 20-30% so với bình thường, song khả năng năm nay chỉ tăng 10-15%. Nhiều nhà sản xuất cũng chỉ dám tăng ít vì e ngại tồn kho. Theo nhiều DN, tồn kho hàng tết là điều rất đáng ngại đối với DN, vì hàng tết làm riêng, bao bì cũng in riêng nên rất khó bán khi đã qua mùa.
Ông Nguyễn Tuấn Phương - Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D & F) nhận xét, thị trường tăng trưởng chậm gần 2 năm nay, do đó khó kỳ vọng sức mua tăng trưởng tốt vào cuối năm khi tình hình kinh tế chung vẫn chưa cải thiện nhiều. Hiện tại, D&F mới chỉ đặt hàng các trang trại heo, gà để chuẩn bị nguồn hàng tươi sống, riêng thực phẩm chế biến vẫn đang thăm dò sức mua, đồng thời chào hàng các đơn vị lớn.
* Sản xuất cầm chừng
Ông Đỗ Tấn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH H.T.H, chuyên sản xuất chăn, drap, gối, nệm ở TP. Biên Hòa cho biết, mọi năm từ khoảng tháng 6 âm lịch, DN đã bắt đầu tính tới chuyện làm hàng tết. Tuy nhiên, năm nay đến tận tháng 10 mới bắt tay vào chuẩn bị nguyên vật liệu sản xuất. “Hàng tồn kho từ đầu năm đến tận bây giờ mới giải quyết xong, do đó lúc này DN mới suy nghĩ đến hàng tết, chắc cũng chỉ sản xuất có hạn vì lo sức mua kém” - ông Hưng nói. Theo đó, hàng năm, tháng tết có thể “ngốn” hết một lượng hàng gấp 2-2,5 lần so với bình thường, song năm nay đến tháng 11, sức mua vẫn còn rất “đủng đỉnh” nên ông Hưng cho biết, chỉ sản xuất cầm chừng, bán đến đâu làm đến đó, và cũng chỉ hy vọng sản lượng tăng khoảng 30-40% so với ngày thường.
Mua hàng khuyến mãi tại Big C. ảnh: T.L |
Tương tự, ông Lâm Thanh Đức, chủ cơ sở trứng gà Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) dự đoán, sức mua 2 tháng tết cũng chỉ tăng 30% so với bình thường, thêm vào đó giá trứng đang có xu hướng giảm nên cơ sở cũng không tăng lượng gà đẻ trứng lên thêm nhiều như mọi năm. “Chúng tôi không dám mạnh dạn tăng đàn gà đẻ vì tiêu thụ chậm. 2 tháng cuối năm nay chỉ hy vọng lượng tiêu thụ bằng với các tháng bình thường của những năm trước” - ông Đức chia sẻ.
96 điểm bán hàng bình ổn giá tết 2013 Theo kế hoạch bình ổn giá Tết Nguyên đán 2013 của Sở Công thương, sẽ có 16 đơn vị tham gia bán hàng bình ổn giá tết tại 96 điểm bán trên toàn tỉnh, gồm các mặt hàng: thịt heo, thịt gà, gạo, đường, trứng, dầu ăn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đều đã xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng phục vụ tết. Cụ thể, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai dự trữ cho 3 tháng tết là 468 tấn thịt heo, 81 tấn thịt gà với tổng số tiền là 27 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sài Gòn lương thực dự trữ khoảng 80 tấn gạo các loại, trị giá khoảng 1 tỷ đồng; Trại gà Thanh Đức chuẩn bị khoảng 6 triệu quả trứng cung ứng cho thị trường tết với giá bình ổn. Bình Nguyên |
Vi Lâm