Hơn một năm nay, gia đình nông dân Mai Văn Lấm, ấp Thuận An, xã Sông Thao (huyện Trảng Bom), rất phấn khởi vì anh Lấm đã mày mò tự chế máy chọc lỗ tỉa bắp từ chiếc máy cày cũ của mình.
Hơn một năm nay, gia đình nông dân Mai Văn Lấm, ấp Thuận An, xã Sông Thao (huyện Trảng Bom), rất phấn khởi vì anh Lấm đã mày mò tự chế máy chọc lỗ tỉa bắp từ chiếc máy cày cũ của mình.
Là nông dân gắn bó với đồng ruộng đã lâu, vào mỗi vụ tỉa bắp, anh Lấm phải thuê 15 nhân công mới làm xong được một hécta đất, nhiều khi thiếu lao động phải mất đến 10 ngày. Công việc tỉa bắp tưởng chừng dễ nhưng thực tế phải do những người đàn ông khỏe mạnh mới có thể đủ sức một ngày chọc hàng ngàn lỗ.
Anh Mai Văn Lấm với chiếc máy chọc lỗ tỉa bắp. Ảnh: T.TRÀ |
Từ vất vả đó, anh Lấm đã rất trăn trở, suy nghĩ và cuối cùng quyết định tự chế chiếc máy xới cũ thành máy chọc lỗ tỉa bắp để thay thế sức người. Ban đầu anh tháo phần đuôi (còn gọi là giàn giáo) của chiếc máy xới, sau đó lắp bánh tự chế vào. Tuy nhiên, anh nhận thấy việc lắp một bánh cũng rất tốn thời gian và dầu nhớt nên anh quyết định lắp 2 bánh chọc lỗ theo hàng trên một trục cách nhau 60cm. Bánh chọc lỗ để tỉa bắp trên thực tế là một khối sắt hình tròn, được gắn với 6 khúc sắt cách nhau 20cm, sau đó đóng vào các khúc gỗ vuông, mỗi khi bánh lăn là các răng bánh này cắm xuống đất tạo thành những lỗ nhỏ đều nhau. Từ khi có máy tự chế này, chỉ cần một nhân công, mỗi ngày có thể chọc lỗ tỉa bắp cho gần 2 hécta, giảm 14 công lao động so với trước đây.
Anh Lấm cho biết: “Tôi tự chế máy này là nhờ giàn xới ở nhà có sẵn chỉ hàn thêm 2 cái bánh thôi. Nếu ai mướn xới đất thì mình gắn dao vào xới đất, còn không xới đất thì tháo ra gắn bánh chọc lỗ vô tỉa bắp. Máy tự chế cũng không tốn bao nhiêu tiền”.
Hiện nay, chiếc máy chọc lỗ tỉa bắp ngoài việc phục vụ cho gia đình, anh Lấm còn được nhiều bà con nơi đây thuê làm. Ông Trần Văn Em, người làm thuê, nói: “Không chỉ giảm được công lao động mà chiếc máy chọc lỗ tỉa bắp hạt này còn giúp những người tỉa hạt thuê đỡ vất vả hơn rất nhiều so với trước đây “.
Chiếc máy của anh Lấm đã mở ra cho bà con nông dân Sông Thao một hướng làm ăn mới hiệu quả, giảm công lao động đồng nghĩa với việc giảm chi phí đầu vào và tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Thu Trà