Thu ngân sách, tăng trưởng xuất nhập khẩu, gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng… là những nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức cho các sở, ngành, địa phương trong năm 2013. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, nhiều đơn vị cho biết đã chủ động tìm giải pháp thực hiện.
Thu ngân sách, tăng trưởng xuất nhập khẩu, gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng… là những nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức cho các sở, ngành, địa phương trong năm 2013. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, nhiều đơn vị cho biết đã chủ động tìm giải pháp thực hiện.
Công nhân Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) trên dây chuyền sản xuất. Ảnh: V.Lâm |
Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư: Tích cực “gọi” vốn để hỗ trợ cho ngân sách
Trong năm 2013, vốn đầu tư và xây dựng từ nguồn ngân sách tập trung của tỉnh tăng 16% so năm 2012 nhưng thực tế, trượt giá vật tư, nhân công… lại cao hơn tỷ lệ tăng vốn, do vậy thực chất vốn đầu tư năm 2013 có thể thấp hơn 2012. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư rất lớn, vì vậy khó đảm bảo nguồn lực để cân đối cho các ngành, các lĩnh vực, kể cả đối với các mục tiêu ưu tiên, như: đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, giáo dục - đào tạo, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, việc cân đối vốn kế hoạch năm 2013 còn phải thực hiện theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ là tập trung bố trí cho các dự án chuyển tiếp, nếu còn vốn mới bố trí cho các dự án khởi công mới và phải đảm bảo cơ cấu tối thiểu Trung ương giao cho ngành giáo dục - đào tạo và ngành khoa học - công nghệ. Do vậy, năm 2013 rất hạn chế việc bố trí vốn cho các dự án khởi công mới.
Trước tình hình thiếu vốn như hiện nay, giải pháp cần tập trung trong năm 2013 là tích cực kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế đối với các dự án giao thông, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao và huy động xã hội hóa đối với các tuyến giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu tăng thu ngân sách, đặc biệt là các huyện, TX.Long Khánh, TP. Biên Hòa cần có giải pháp tăng thu nguồn khai thác quỹ đất trên địa bàn để bổ sung nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương: Tiếp tục nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2013, lĩnh vực thương mại, công nghiệp và xuất nhập khẩu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Ngành công thương sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, mở rộng thị trường. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xúc tiến thương mại của tỉnh, sở sẽ hỗ trợ DN phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các thị trường mới và tiềm năng. Sở sẽ hỗ trợ DN cả mảng xuất khẩu lẫn thị trường nội địa. Về xuất khẩu, sẽ có nhiều thị trường mới như châu Phi hay Tây Á mà DN có thể tiếp cận qua các hình thức, như: thương mại điện tử, thông tin từ các tham tán ở các đại sứ quán hoặc các đoàn khảo sát thị trường, hội chợ triển lãm. Trước mắt, năm 2013 sẽ có đoàn xúc tiến thương mại đi Dubai. Ngoài ra, DN có thể tham dự hội chợ ở Đức và một số nước châu Á khác. Chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2013 là tăng trưởng từ 12-15%. So với năm 2012, mức này không quá cao. Với các giải pháp sớm của Chính phủ, của tỉnh, của DN… thì chỉ tiêu này có thể đạt được. Về phía DN, ngoài các hỗ trợ nói chung, đòi hỏi mỗi DN phải tự nỗ lực để giảm chi phí, tái cấu trúc, đổi mới công nghệ… để giữ vững thị trường.
Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Thành ủy Biên Hòa: Kiến nghị tỉnh cho chủ trương giải quyết một số vấn đề tồn đọng
Năm 2012 vừa qua, TP. Biên Hòa có 7 nội dung chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách. Theo phân cấp, Biên Hòa chỉ quản lý thu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây lại là đối tượng gặp rất nhiều khó khăn trong thời điểm kinh tế suy thoái như hiện nay, nhiều DN nếu “mạnh tay” có thể dẫn đến phá sản, vì thế chúng tôi đã làm cật lực nhưng mức thu cũng chỉ đạt 90%. Bên cạnh đó, Biên Hòa là địa bàn tập trung nhiều yếu tố phức tạp, tình hình tội phạm hình sự, trọng án, khiếu kiện đều tăng, tình trạng trường lớp học chưa đáp ứng nhu cầu vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều năm liền, chưa khắc phục được.
Bước vào năm mới, Đảng bộ TP.Biên Hòa sẽ quyết tâm khắc phục những khuyết điểm, hạn chế đã được làm rõ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, quản lý. Trước mắt, TP.Biên Hòa kiến nghị tỉnh cho chủ trương giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng của địa phương, như chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai có kế hoạch cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân tại phường Trảng Dài, Tân Phong, 4 xã: Phước Tân, Tam Phước, An Hòa và Long Hưng; tăng thêm biên chế cho thành phố sau khi nhập thêm 4 xã mới, lập thủ tục chia tách một số địa bàn dân cư đông để phù hợp quản lý; tiếp tục hỗ trợ thành phố đầu tư xây dựng trường học, giải quyết tình trạng ca ba, quá tải, đáp ứng yêu cầu tăng dân số cơ học hàng năm trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Nhật, Phó bí thư Huyện ủy Xuân Lộc: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
Năm vừa qua là một năm huyện Xuân Lộc không gặp nhiều thuận lợi: thiên tai, dịch bệnh cùng một số yếu tố tác động khác đã dẫn đến tình trạng thất thu ngân sách. Sau nhiều năm liền phấn đấu nỗ lực vươn lên, đây là năm đầu tiên huyện Xuân Lộc không hoàn thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách mà tỉnh đã giao.
Bước vào năm 2013, tập thể và các cá nhân trong Ban Thường vụ Huyện ủy cũng như toàn Đảng bộ huyện Xuân Lộc sẽ tập trung khắc phục những khuyết điểm đã được chỉ ra. Phương hướng của huyện là tiếp tục phát triển thế mạnh về nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành các sản phẩm nông nghiệp, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả. Trong đó, huyện cũng sẽ tăng cường thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, là nền tảng để phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn. Hiện, huyện đã phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 6 xã, trong đó có 5 xã điểm. Năm 2013, tỉnh giao chỉ tiêu thu ngân sách cho huyện khoảng 840 tỷ đồng, Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Ngô Sỹ Bảng, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú: Cố gắng hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách
2013 cũng vẫn là một năm nhiều thách thức trong việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của huyện Tân Phú. Không được giao thu ngân sách cao như các địa phương khác vì Tân Phú vẫn là địa bàn khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng tăng 11% trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng đòi hỏi địa phương những nỗ lực rất lớn. Hiện tại, nguồn thu ngân sách của địa phương chủ yếu phụ thuộc vào các DN ngoài quốc doanh, song trong năm 2012, nhiều DN khó khăn, phá sản dẫn đến nguồn thu trở nên hẹp lại. Trong năm tới, địa phương sẽ phải “kề vai sát cánh” với DN, hỗ trợ hết mức để duy trì và phát triển thêm nguồn thu. Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp vì đây vẫn là nền tảng cho sự phát triển lâu dài.
Vi Lâm - Thanh Thúy