Do không phải là mặt hàng thiết yếu nên hàng thủ công mỹ nghệ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) vừa phải giữ gìn thị trường xuất khẩu, vừa tìm đường quay về thị trường trong nước.
Do không phải là mặt hàng thiết yếu nên hàng thủ công mỹ nghệ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) vừa phải giữ gìn thị trường xuất khẩu, vừa tìm đường quay về thị trường trong nước.
Theo nhiều đơn vị sản xuất, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường tăng cao trong mùa cuối năm nên dịp này, các DN thường phải liên tục tăng ca để kịp hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Nhưng năm nay, mối quan tâm hàng đầu của các DN, cơ sở trong ngành này là đầu ra cho sản phẩm.
* Vào mùa chậm
Hội chợ mua sắm cuối năm vừa diễn ra tại Đồng Nai, thu hút đông đảo DN ngành thủ công mỹ nghệ tham gia, gồm các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, đồ gốm, tranh sơn dầu, tranh đá quý... Theo các DN trong ngành, cuối năm là một trong những mùa tiêu thụ chính nên phải tích cực đi hội chợ nhằm đẩy mạnh sức tiêu thụ. Tuy nhiên, năm nay hội chợ cũng không “ăn” do người tiêu dùng đắn đo rất nhiều trước khi quyết định mua một món hàng trang trí nào đó.
Hàng thủ công được du khách ưa chuộng. Ảnh: B. NGUYÊN |
Ông Trương Phụng Dung, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Gia Bảo (tỉnh Bình Định) cho biết: “Những sản phẩm tôi giới thiệu tại hội chợ lần này không chỉ mang tính trang trí mà có tính ứng dụng cao. Chẳng hạn, bộ đồ thờ bằng gỗ, gồm: đèn, lư hương với công dụng và họa tiết trang trí không thua gì đồ đồng… Tuy rất nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu nhưng lượng hàng bán ra không như mong đợi”.
Tại nhiều phòng tranh, cửa hàng bán đồ trang trí tại TP. Biên Hòa, không khí mua sắm vẫn khá đìu hiu thay cho cảnh tấp nập khách đến đặt hàng làm quà biếu, trang trí tết như mọi năm. Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Công ty TNHH Ngũ Nam Phát (TP. Biên Hòa), chuyên sản xuất hàng giả mây, hàng thiếc trang trí nhận xét, mùa cuối năm, DN thường phải tuyển thêm lao động, làm ngày làm đêm mới đáp ứng kịp đơn hàng của khách. Nhưng năm nay, nhiều đơn vị phải sản xuất cầm chừng vì sức mua cả năm giảm sút, trong khi thị trường tết chậm vào mùa cao điểm.
* Nỗ lực mở thị trường
“Năng nhặt chặt bị” đang là phương châm chung của nhiều đơn vị ngành thủ công mỹ nghệ trong giai đoạn hiện nay. Tìm kiếm bạn hàng mới ở các châu lục khác ngoài các thị trường truyền thống EU, Mỹ, đồng thời quay về thị trường nội địa đang là hướng đi của nhiều DN chuyên làm hàng xuất khẩu. “DN không nên nghĩ quay về sân nhà như là một giải pháp tạm thời nhằm giảm bớt áp lực hàng tồn, mà phải xác định đối tượng khách hàng cụ thể để vạch ra chiến lược dài hạn. Nhắm đúng đối tượng khách là các nhà thầu chuyên thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn… là bí quyết giúp Ngũ Nam Phát đặt chân vững tại thị trường nội địa ngay năm đầu quay về sân nhà” - ông Trần Chí Trung chia sẻ.
Khách chọn mua gốm trang trí tại hội chợ mua sắm cuối năm. |
Đại diện của DN tư nhân gốm mỹ nghệ Bồ Bát (tỉnh Ninh Bình) cho biết, hiện DN không sản xuất theo hướng đại trà như trước mà tập trung cho dòng sản phẩm phục vụ khách du lịch. Với sự đầu tư chuyên sâu này, sản phẩm của DN ngày càng đa dạng, từ những mẫu sản phẩm đòi hỏi sự tinh tế, như: lắc tay, mặt dây chuyền, chuông gió bằng gốm đến những sản phẩm thông dụng như chiếc gạt tàn thuốc lá cũng được khách ưa chuộng nhờ tính thẩm mỹ cao. Ngoài đầu tư cho sản xuất, DN cũng định hướng rõ hơn về thị trường tiêu thụ, tập trung cho các khu vực đông khách du lịch, như: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phan Thiết… Nhờ đó, DN không chỉ giữ ổn định sức tiêu thụ tại thị trường trong nước mà đây là năm đầu tiên đơn vị đã có được một số đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Thái Lan.
Bình Nguyên