Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiểu thương học... bán hàng

10:06, 26/06/2013

Ngày nay, người tiêu dùng chỉ cần ngồi tại chỗ là có thể mua đủ mọi mặt hàng, bởi từ người bán rong cho đến các siêu thị hiện đại đều có dịch vụ bán hàng tận nhà. Thực tế này đòi hỏi tiểu thương ở các chợ truyền thống phải tự làm mới mình để tồn tại.

Ngày nay, người tiêu dùng chỉ cần ngồi tại chỗ là có thể mua đủ mọi mặt hàng, bởi từ người bán rong cho đến các siêu thị hiện đại đều có dịch vụ bán hàng tận nhà. Thực tế này đòi hỏi tiểu thương ở các chợ truyền thống phải tự làm mới mình để tồn tại.

Trong giai đoạn chợ truyền thống đang chịu áp lực cạnh tranh lớn như hiện nay, những yêu cầu để trở thành người bán hàng giỏi đang “dài” ra với những đòi hỏi, như: giao tiếp khéo léo, hàng hóa đa dạng, trưng bày đẹp… Sở Công thương Đồng Nai vừa có các lớp tập huấn này cho tiểu thương trong tỉnh.

* Thay đổi từ điều nhỏ nhất

Nội dung của các lớp tập huấn vừa diễn ra tại TP. Biên Hòa và TX.Long Khánh do Sở Công thương tổ chức được tiểu thương đánh giá là dễ hiểu và thiết thực, giúp họ nhận thức rõ hơn về điểm yếu, thế mạnh của mình trong hoạt động kinh doanh, buôn bán.

Luôn nghĩ cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng là bí quyết bán hàng giỏi của bà Lê Thị Thanh Thúy (chợ Biên Hòa).
Luôn nghĩ cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng là bí quyết bán hàng giỏi của bà Lê Thị Thanh Thúy (chợ Biên Hòa).

Ông Nguyễn Văn Sơn, tiểu thương tại chợ Xuân Thanh (TX.Long Khánh), tâm sự: “Tôi sinh ra ở chợ, mấy mươi năm kinh nghiệm buôn bán, tưởng không còn gì phải học, nhưng đi tập huấn mới thấy “sáng” ra nhiều điều. Những vấn đề nhỏ tôi không mấy quan tâm, như: ý thức giữ vệ sinh môi trường, tạo sự thông thoáng hành lang, lối đi trong chợ… lại quan trọng không kém việc chăm chút cho gian hàng của mình. Mỗi người có ý thức một chút vì tập thể, vì cái chung thì bộ mặt cả chợ sẽ đẹp lên rất nhiều”.

Một thành viên khác trong lớp học kỹ năng bán hàng, chị Lê Thị Hồng Gấm, tiểu thương bán tạp hóa ở chợ Xuân Tân (TX.Long Khánh) cũng cho rằng: “Nhiều điều mình đã quen nhưng đi học mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Tôi đã thực hiện việc niêm yết giá từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu vẫn mang tâm lý ứng phó với cơ quan chức năng. Học mới hiểu, điều này là cho chính bản thân mình, vì sự minh bạch về giá hàng hóa góp phần tạo lòng tin của khách và cũng thuận tiện hơn trong hoạt động mua, bán”.

Chị Phạm Thị Mai Trang, tiểu thương bán thực phẩm chế biến tại chợ Biên Hòa, chia sẻ: “Trước kia cứ nghĩ bán mắm thì cần gì đến trưng bày hàng đẹp. Khi thực hiện mới thấy hoạt động kinh doanh tốt hơn hẳn. Gian hàng khang trang, các món trình bày ngon mắt nên khách muốn mua hơn. Quan trọng hơn là đảm bảo được khâu an toàn vệ sinh thực phẩm vì các loại dưa, mắm được che đậy kỹ càng, không lo ruồi muỗi, côn trùng. Nhờ đó, nhiều Việt kiều tin tưởng đặt mua mang ra nước ngoài làm quà biếu”.

* Trở thành người tư vấn

Ý kiến của bà Trần Thị Lan (tiểu thương chợ Xuân Tân, TX.Long Khánh) về việc bán hàng Trung Quốc gây xôn xao tại lớp tập huấn. Theo bà Lan: “Nếu mặt hàng nào độc hại, kém chất lượng thì nhà nước đừng cho lưu thông ra thị trường. Đây là việc của cơ quan chức năng, còn tiểu thương chúng tôi chỉ biết bán hàng”.

Bà Trần Thị Lan, tiểu thương chợ Xuân Tân (xã Xuân Tân, Long Khánh) nêu ý kiến thắc mắc tại lớp học kỹ năng bán hàng.
Bà Trần Thị Lan, tiểu thương chợ Xuân Tân (xã Xuân Tân, Long Khánh) nêu ý kiến thắc mắc tại lớp học kỹ năng bán hàng.

Nói về vấn đề trên, bà Lê Thị Thanh Thúy, tiểu thương bán trái cây tại chợ Biên Hòa lại cho rằng, học về bán hàng không chỉ ở thái độ vui vẻ, tận tình với khách mà điều cốt lõi là phải luôn bán đúng hàng, đúng chất lượng. Người tiêu dùng bây giờ rất tinh ý, bản thân tiểu thương phải luôn tích lũy kiến thức và cập nhật những vấn đề thời sự liên quan thì mới có thể tư vấn cho khách. “Có lần đọc báo về trường hợp người tiêu dùng hoang mang khi phát hiện trái bưởi để quên gần nửa năm không hư, tôi theo dõi sát vụ việc này và tìm được nguyên nhân từ lời giải đáp của một nhà khoa học. Bằng cách đó, tôi tích lũy kiến thức về cách chọn trái cây chất lượng, cách bảo quản an toàn…” - bà Thúy kể.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết năm 2013, Sở triển khai thí điểm 3 lớp tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương và sẽ cố gắng đưa chương trình này thành hoạt động thường niên. Chương trình không đơn thuần là hướng dẫn về mặt kỹ thuật, mục tiêu chính là thay đổi về nhận thức cho tiểu thương. Qua đó, góp phần hạn chế dần những mặt còn tồn tại, hướng đến xây dựng chợ truyền thống theo mô hình văn minh, hiện đại.

Th.S Nguyễn Duy Châu, giảng viên Trường Đại học tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh, người chịu trách nhiệm về nội dung đào tạo của các lớp kỹ năng bán hàng, đã dành khá nhiều thời gian để trao đổi với tiểu thương về ý nghĩa của việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bán hàng đúng chất lượng. Ông Châu nói: “Hóa chất độc hại trong thực phẩm, hàng hóa là mối hiểm họa khôn lường với sức khỏe con người. Chất lượng, sản phẩm an toàn luôn là tiêu chí hàng đầu để khách chọn nơi mua. Đây cũng chính là yếu tố cốt lõi để tạo nên uy tín lâu bền của tiểu thương. Nhưng có cái tâm tốt chưa đủ, tiểu thương cần trau dồi kiến thức, sự hiểu biết để trở thành người tư vấn tin cậy của khách”.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích