Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ vì ngửi khói chì

09:07, 10/07/2013

Khoảng một năm nay, mỗi tối người dân ở ấp Cây Xoài, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) lại phải hứng chịu mùi khói chì bay ra nồng nặc từ một cơ sở nấu chì ngay trên đồi. Trẻ nhỏ không chịu được, nhiều em phải nhập viện vì bệnh đường hô hấp.   

Khoảng một năm nay, mỗi tối người dân ở ấp Cây Xoài, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) lại phải hứng chịu mùi khói chì bay ra nồng nặc từ một cơ sở nấu chì ngay trên đồi. Trẻ nhỏ không chịu được, nhiều em phải nhập viện vì bệnh đường hô hấp.       

Cơ sở nấu chì do bà Nguyễn Hải Anh, thường trú 10.07, lô B chung cư Vĩnh Tường, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) thuê đất để mở đại lý thu mua phế liệu. Lợi dụng khu đất ngay trên đồi cao, xung quanh có nhiều cây cối, chủ cơ sở đã đưa bình ắc quy cũ về đây bóc tách, lấy phần lõi để nấu chì.

* Lén lút làm đêm

Chiều ngày 8-7, có mặt tại cơ sở nấu chì của bà Hải Anh, chúng tôi thấy xung quanh được xây dựng tường bao cao gần 3m. Cổng ra vào được khóa trong, khóa ngoài và treo bảng thông báo cơ sở đã ngưng hoạt động. Thế nhưng, đến khoảng 19-20 giờ, cơ sở bắt đầu hoạt động đến khoảng 2-3 giờ sáng thì ngưng.

Cơ sở Hải Anh ở ấp Cây Xoài, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) được đặt trên đồi cao và bình ắc quy cũ dùng để nấu chì xếp đầy trong cơ sở này (ảnh nhỏ).
Cơ sở Hải Anh ở ấp Cây Xoài, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) được đặt trên đồi cao

Anh Nguyễn Thanh Tâm, nhà gần cơ sở nấu chì bức xúc: “Để che mắt chính quyền và người dân trong ấp, cứ đêm xuống cơ sở này mới sản xuất. Con tôi mới hơn 2 tuổi phải hít mùi chì nhiều nên mấy lần bị triệu chứng khó thở và ói phải đưa vào viện cấp cứu”. Còn vợ anh Tâm than thở: “Tôi là người lớn mà có hôm ngửi mùi chì còn ói đến mật xanh, mật vàng. Gia đình tôi đang nghĩ đến việc bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống vì sợ mùi chì độc hại”.

Theo GS. TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học -  công nghệ và quản lý môi trường, khói, bụi chì nếu hít phải nhiều sẽ đi vào đường máu làm giảm hồng cầu gây ra tình trạng thiếu máu. Ngoài ra, ngửi bụi, khói chì gây ngộ độc, lâu ngày sẽ tích lũy trong gan dẫn đến ung thư gan. Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi thường xuyên hít phải bụi, khói chì sẽ bị viêm đường hô hấp, phổi và ảnh hưởng hệ thần kinh não.

Theo nhiều người dân ở ấp Cây Xoài, do cơ sở đặt trên đồi cao, khi nấu chì mùi bay rất xa, cách 2-3km vẫn ngửi mùi hăng hắc rất khó chịu. “Nhà tôi cách cơ sở sản xuất chì gần 2km mà cứ đêm xuống đóng kín cửa vẫn có mùi chì bay vào nồng nặc, ngửi nhiều thấy xây xẩm cả mặt mày” - bà Trần Thị Ban ở ấp Cây Xoài, nói.

Với sự hỗ trợ của ông Lương Thành Nam, Công an xã Tân An, chúng tôi tìm được địa điểm có thể nhìn vào trong cơ sở nấu chì. Khu vực sản xuất rộng chừng 2.000m2, bên trong có vài ba dãy nhà lụp xụp cho công nhân ở và chứa máy móc. Cạnh dãy nhà ở của công nhân là nơi chứa những bao ắc quy cũ cao ngất ngưởng. Đang trong mùa mưa, khu vực trong xưởng lầy lội, ngập ngụa nước mưa lẫn nước thải. Ngoài nỗi lo khói và bụi chì, nhiều người dân ở ấp Cây Xoài còn lo ngại cơ sở đặt trên đồi cao, mỗi khi mưa lớn, nước acid từ các bình ắc quy cũ bị rửa trôi sẽ theo nước mưa chảy xuống các ao, hồ trong ấp.

* Sao vẫn chưa dẹp?

Theo phản ánh của người dân, cuối năm 2012, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Vĩnh Cửu cùng đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra cơ sở nấu chì Hải Anh. Sau đó, đơn vị có đề xuất UBND huyện Vĩnh Cửu xử phạt hành chính cơ sở này. Ngày 8-1-2013, UBND huyện Vĩnh Cửu ra Quyết định 638/QĐ-XPHC xử phạt cơ sở Hải Anh 20 triệu đồng, buộc tháo dỡ lò nấu chì, thời hạn thi hành là 10 ngày. Nếu quá thời gian, chủ cơ sở cố tình không chấp hành quyết định sẽ bị cưỡng chế. Thế nhưng, nửa năm đã trôi qua, cơ sở này vẫn ngang nhiên nấu chì trước sự bức xúc của người dân.

Bình ắc quy cũ dùng để nấu chì xếp đầy trong cơ sở này.
Bình ắc quy cũ dùng để nấu chì xếp đầy trong cơ sở này.

Ông Thái Thuận Trong, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân An, cho biết: “Khoảng 1 năm nay, mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều bức xúc phản ánh việc cơ sở nấu chì ở ấp Cây Xoài gây ô nhiễm. Đầu năm huyện có xử phạt hành chính cơ sở này nhưng đến nay, xã vẫn chưa nhận được văn bản nên không biết nội dung xử phạt cũng như biện pháp khắc phục để có giám sát, đề xuất xử lý đúng theo quyết định”. Ngày 6-7-2013, xã Tân An phối hợp Phòng Tài nguyên - môi trường huyện kiểm tra cơ sở nấu chì, thấy lượng ắc quy cũ dùng nấu chì đổ đống bên ngoài khoảng 5 tấn.

Ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, sở đã yêu cầu Phòng TN-MT huyện Vĩnh Cửu nhanh chóng dẹp ngay cơ sở nấu chì ở xã Tân An. Vì bụi, khói chì là chất thải nguy hại rất độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nếu không may hít phải.

Ngày 9-7, trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về việc cơ sở nấu chì ở ấp Cây Xoài, vì sao đã có quyết định buộc tháo dỡ đến nay vẫn còn hoạt động, ông Nguyễn Văn Hóa, Chánh văn phòng UBND huyện, cho biết: “Do cơ sở này hoạt động lén lút vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Mới đây, Phòng tài nguyên - môi trường đã kiểm tra cơ sở và đang hoàn tất hồ sơ để xử lý”. Ông Hóa cho biết thêm, cơ sở nấu chì này trước đây chỉ được cấp phép kinh doanh phế liệu. Lợi dụng trên đồi cao ít người qua lại, cơ sở đã làm thêm lò nấu chì, huyện đang xem xét để rút giấy phép kinh doanh.

Được biết, cách đây vài tháng tại cơ sở nấu chì này đã xảy ra vụ tai nạn làm chết 1 công  nhân, hiện cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân.        

  Khánh Minh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều