Báo Đồng Nai điện tử
En

Chờ vốn vay ưu đãi

11:12, 04/12/2013

Từ ngày 1-1-2014, Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ vốn vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp sẽ có hiệu lực. Có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đang trông đợi nguồn vốn vay ưu đãi này...

Từ ngày 1-1-2014, Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ vốn vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp sẽ có hiệu lực. Rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trông đợi nguồn vốn vay ưu đãi này để mua máy móc nông nghiệp và xây dựng nhà xưởng.

Một số nông dân có diện tích mía lớn mong mua máy thu hoạch, giảm thuê công thợ.
Một số nông dân có diện tích mía lớn mong mua máy thu hoạch, giảm thuê công thợ.

Hiện nay, nhu cầu mua máy để sản xuất nông nghiệp, xây dựng kho, bãi dự trữ hàng sản xuất quanh năm khá nhiều. Với nhiều nút thắt được Quyết định 68 tháo gỡ thì đa số nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đều hy vọng có thể vay được nguồn vốn trên.

* Mở ra cơ hội

Quyết định 68/2013/QĐ-TTg đã có những thay đổi căn bản so với Quyết định 65/2010/QĐ-TTg. Máy móc, thiết bị để giảm tổn thất trong nông nghiệp được hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất năm thứ 3. Ngoài các thiết bị, máy móc sử dụng trong trồng trọt như trước đây, thì các thiết bị sử dụng trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến phế, phụ phẩm nông sản, hệ thống tưới tiết kiệm và các động cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… cũng thuộc đối tượng cho vay hỗ trợ lãi suất. Nhưng thay đổi mấu chốt nhất là máy móc, thiết bị được vay vốn chỉ cần mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Không còn hạn chế máy móc, thiết bị phải có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.

Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên chia sẻ:

“Nhiều nông dân trong huyện muốn mua máy nông nghiệp, nhưng không ai vay được vốn theo Quyết định 65/2010 vì quy định máy phải mua trong nước. Máy trong nước đa số giá cao gấp 1,5-2 lần so với máy nhập ngoại, thiết kế cồng kềnh, khó sử dụng nên nông dân đành rút lui”. Sau gần 3 năm thực hiện Quyết định 65, toàn tỉnh chỉ có 3 hộ ở huyện Trảng Bom được vay. Quyết định 68 lần này cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc trên, và thời gian thực hiện quyết định kéo dài trong 7 năm sẽ tạo thuận lợi cho nông dân, HTX, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư cho nông nghiệp.

Ông Trương Hùng Dũng, ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), cho hay: “Tôi có 500 hécta mía, trước đây hỏi vay vốn hỗ trợ lãi suất để mua máy thu hoạch nhưng không được, vì Chính phủ quy định máy phải sản xuất trong nước, nhưng Việt Nam chưa sản xuất được máy thu hoạch mía. Tới đây quy định bãi bỏ yêu cầu máy nội địa, tôi sẽ vay để mua máy thu hoạch mía”.

Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Huy Trinh cho biết: “Các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp được hỗ trợ chênh lệch lãi suất cũng không còn bó hẹp trong chế biến gạo, cà phê, kho bảo quản lúa mà mở ra với hầu hết các cây trồng, vật nuôi”. Theo ông Trinh, đây là cơ hội để các cá nhân, doanh nghiệp, HTX dễ dàng tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Và thời gian cho vay của dự án có thể đến 12 năm.

* Nhu cầu rất lớn

Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) nói: “HTX đang cần vay 5 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sấy dẻo, sấy giòn xoài để xuất khẩu, nhưng lãi suất vay quá cao nên đang chần chừ. Tới đây không hạn chế máy nhập khẩu, HTX sẽ đăng ký vay để nhập dây chuyền máy từ Hàn Quốc về sản xuất”. Cũng theo ông Bảo, nếu HTX vay được nguồn vốn ưu đãi trong 3 năm đầu tư nhà xưởng, máy móc thì không chỉ xoài của HTX có đầu ra ổn định, giá cao mà còn có thể giải quyết được xoài của nhiều nông dân trong vùng.

Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại - sản xuất Thuận Hương ở xã Phú Túc (huyện Định Quán), bày tỏ: “Công ty của tôi chuyên sấy các loại trái cây tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đầu ra ổn định và không đủ hàng để bán. Tôi dự định làm thêm kho lạnh trữ hàng sản xuất quanh năm, nhưng ngại vốn vay lãi suất cao, hết lời nên không dám mở rộng sản xuất”. Ông Sáng đang hy vọng sẽ vay được vốn ưu đãi theo Quyết định 68 để làm kho và nhập máy làm lạnh về để trữ trái cây, mở rộng sản xuất. Hiện nay, đa số nông dân, doanh nghiệp, HTX đều trông đợi sớm vay được vốn hỗ trợ lãi suất từ Quyết định 68 để đầu tư sản xuất, chế biến nông sản nâng cao hiệu quả.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều