Báo Đồng Nai điện tử
En

Vất vả gọi vốn đầu tư giao thông

09:03, 20/03/2014

Đầu tư cho hệ thống giao thông cần một lượng vốn lớn. Trong giai đoạn hiện nay nguồn vốn ngân sách khó khăn, nhiều công trình được kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Đầu tư cho hệ thống giao thông cần một lượng vốn lớn. Trong giai đoạn hiện nay nguồn vốn ngân sách khó khăn, nhiều công trình được kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Phương án này được đánh giá là khả thi hơn để các công trình có thể triển khai, song thực tế gọi vốn BOT cũng không hề dễ.

Nguồn vốn ngân sách hiện tại chỉ đủ đáp ứng để hoàn thiện các công trình dở dang từ nhiều năm trước. Trong ảnh: Thi công đường 25A đoạn qua xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch.
Nguồn vốn ngân sách hiện tại chỉ đủ đáp ứng để hoàn thiện các công trình dở dang từ nhiều năm trước. Trong ảnh: Thi công đường 25A đoạn qua xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch.

Nhu cầu vốn cho gần 10 dự án giao thông trong danh mục dự án quan trọng giai đoạn 2011-2015 lên đến hơn 10 ngàn tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD - con số rất lớn trong tình hình hiện tại.

* Dự án vẫn nằm trên giấy

Gần chục dự án giao thông của tỉnh nằm trong danh mục dự án quan trọng cần triển khai trong giai đoạn 2011- 2015. Đến nay, thời hạn đã gần hết nhưng vẫn nằm im trên giấy không triển khai được, mặc dù đã ra sức mời gọi đầu tư.

Cụ thể, dự án nâng cấp đường 766 thuộc địa phận huyện Xuân Lộc có chiều dài gần 13km, với mức đầu tư khoảng 176 tỷ đồng vẫn án binh bất động, hay dự án tuyến đường Trảng Bom - Xuân Lộc có chiều dài khoảng 50km, dự kiến được xây dựng theo quy mô đường cấp 3, nền đường rộng 12m, mặt đường 7m với số vốn khoảng 700 tỷ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng). Tuyến đường này được xây dựng sẽ phục vụ cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa từ Trảng Bom đến Xuân Lộc dễ dàng thuận tiện hơn, đồng thời giảm bớt được lưu lượng giao thông trên quốc lộ 1. Lợi ích là vậy, nhưng đến nay dự án cũng vẫn ở tình trạng chờ nhà đầu tư.

Tương tự, dự án xây dựng mới hương lộ 10 đoạn từ Trung tâm hành chính huyện Cẩm Mỹ đi Xuân Lộc có chiều dài hơn 24km. Đường được thiết kế mặt đường rộng 11m với số vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng (chưa tính tiền giải phóng mặt bằng). Hiện tại, hương lộ 10 đã được đầu tư hơn 10km từ Trung tâm hành chính huyện Cẩm Mỹ đến Long Thành. Nếu tuyến đường được xây dựng thông đến Xuân Lộc sẽ rút ngắn khoảng cách lưu thông giữa Long Thành - Cẩm Mỹ và Xuân Lộc là rất lớn. Khi đó, hương lộ 10 nối liền được 3 quốc lộ là quốc lộ 1, quốc lộ 51 và quốc lộ 56 với nhau, đến nay việc đầu tư vẫn “lực bất tòng tâm”.

Trong danh mục kêu gọi đầu tư có những dự án cả vài ngàn tỷ đồng, như đường liên cảng huyện Nhơn Trạch với chiều dài hơn 15km, mặt đường 38m có mức đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng. Tuyến đường này nhằm phục vụ cho việc phát triển các khu cảng biển nhóm V tại huyện Nhơn Trạch.

* Mòn mỏi chờ nhà đầu tư

Hiện 8 dự án giao thông ở trong danh mục quan trọng đang kêu gọi nhà đầu tư một cách vất vả. Theo tính toán của Sở Giao thông - vận tải, chọn phương án đầu tư theo hình thức BOT là hợp lý và có tính khả thi hơn cả. Những phương án khác, như đổi đất lấy công trình trong giai đoạn hiện nay là rất khó, do tình trạng bất động sản đóng băng nên các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Bên cạnh đó, khai thác quỹ đất dọc những tuyến đường này hiệu quả cũng không cao.

Ông Trần Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức:

“Đầu tư BOT các dự án giao thông, điều quan tâm nhất của chủ đầu tư là lưu lượng xe có đủ để thu phí hoàn vốn hay không. Về lâu dài những tuyến đường đó có bị các tuyến mới khác chia lượng xe hay không, vì việc thu hồi diễn ra trong khoảng thời gian rất dài từ 20 - 30 năm. Phần lớn đường tỉnh có lượng xe rất thấp nên khả năng hoàn vốn là khó, vì vậy nhà đầu tư không mặn mà”.

Bối cảnh kinh tế khó khăn khiến các nhà đầu tư, hết sức cân nhắc khi phải bỏ ra một lượng vốn lớn để đầu tư sau đó thu lại trong thời gian khá dài. Ông Nguyễn Thanh Đạm, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Giao thông - vận tải, cho biết những dự án trên đã được thông báo mời gọi đầu tư từ năm 2012. Có những dự án đã đưa khá nhiều nhà đầu tư  đi khảo sát, nhưng không thấy hồi âm. “Tôi đã dẫn nhiều nhà đầu tư đi thực địa tuyến hương lộ 10, giới thiệu cho thấy đây là tuyến khá quan trọng bởi điểm đầu tuyến nối với quốc lộ 1, giữa tuyến là quốc lộ 56 đi qua Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh, cuối tuyến đi qua khu vực dự án sân bay quốc tế Long Thành kết nối với quốc lộ 51. Đến nay cũng chưa thấy nhà đầu tư nào trở lại” - ông Đạm nói.

Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông hiện nay là rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng của ngân sách lại rất có hạn. Do đó, hàng loạt dự án lại tiếp tục nằm trong tình trạng chờ đợi nhà đầu tư.

Vân Nam

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
  • Công ty luật LEGALAM uy tín, chuyên nghiệp