Năm 2015, do nguồn vốn từ ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng giao thông vẫn khó khăn, Sở Giao thông - vận tải (GTVT) đã "điểm danh" 10 dự án giao thông được tập trung đầu tư, ưu tiên bố trí vốn trong năm 2015.
Năm 2015, do nguồn vốn từ ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng giao thông vẫn khó khăn, Sở Giao thông - vận tải (GTVT) đã “điểm danh” 10 dự án giao thông được tập trung đầu tư, ưu tiên bố trí vốn trong năm 2015.
Đường 25B (huyện Nhơn Trạch) hiện đã quá chật chội, cần nâng cấp mở rộng. |
Trong đó, có những công trình được xem như đòn bẩy để phát triển kinh tế, tạo cú hích cho hạ tầng phát triển.
* Giải quyết ùn tắc
Danh sách các dự án mà Sở GTVT đưa ra để phấn đấu thực hiện trong năm nay, bao gồm: đường 769, giai đoạn 3 đường liên huyện Vĩnh Cửu - Trảng Bom, đường 765 (huyện Xuân Lộc), cải tạo Hương lộ 10 hiện hữu, xây dựng cầu Đắk Lua (huyện Tân Phú), BOT đường 768 (huyện Vĩnh Cửu), đường 319 nối với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (huyện Nhơn Trạch), đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng xã Phước Tân (TP.Biên Hòa), cầu An Hảo (TP.Biên Hòa), đường 25B (huyện Nhơn Trạch).
Trong các dự án trên, có 3 dự án được xem là “nóng” hiện nay và được dư luận quan tâm là cầu An Hảo bắc qua sông Cái, dự án mở rộng đường 25B và dự án nối dài đường 319. Cầu An Hảo là dự án được kỳ vọng nhiều trong việc giảm bớt áp lực ùn tắc giao thông cho các phường nội ô TP.Biên Hòa. Tiếp đó là 2 dự án mở rộng đường 25B và đường 319 nối dài tại huyện Nhơn Trạch. Hai dự án này đã được người dân Nhơn Trạch cũng như doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) ở đây chờ đợi nhiều năm qua. Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết huyện có gần 10 KCN nhưng vấn đề đi lại gần như phụ thuộc toàn bộ vào đường 25B, trong khi con đường này lại quá nhỏ, mặt đường chỉ có 11m nên các phương tiện di chuyển khó khăn.
Ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở GTVT, cho rằng 3 dự án này thuộc cửa ngõ của 2 khu vực phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh. “Đầu tư cho giao thông rất tốn kém, mỗi dự án từ vài trăm đến trên một ngàn tỷ đồng. Vì vậy, dù bố trí vốn cho các dự án không dễ dàng, nhưng các dự án này gần như là cửa ngõ chính, rất cần đầu tư nên được ưu tiên trước” - ông Bình nói.
* Thúc đẩy kinh tế
Chỉ tính riêng 3 dự án lớn: cầu An Hảo, đường 319 và đường 25B, tổng mức đầu tư đã lên đến trên 2.700 tỷ đồng, trong đó dự án cầu An Hảo chiếm hơn một nửa với 1.500 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Hiện UBND tỉnh đang cho rà soát lại quỹ đất đấu giá để có nguồn vốn bố trí cho dự án này.
Sẽ thi công tất cả các gói thầu đường cao tốc Bến Lức - Long Thành Ông Phạm Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, cho biết trong năm 2015 sẽ triển khai tất cả các gói thầu thi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Hiện tuyến dự án này mới được thi công gói thầu J2 có tổng chiều dài hơn 4,7 km, gồm cầu sông Chà và cầu cạn qua huyện Cần Giờ. Thời gian thực hiện gói thầu này là 32 tháng. Liên danh nhà thầu Công ty Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4 - Việt Nam) là đơn vị trúng thầu. Được biết, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD), trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD. |
Theo thiết kế, cầu An Hảo có chiều dài hơn 490m, chiều rộng hơn 30m, trong đó phần xe chạy là 24m, độ cao thông thuyền 35m. Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực với tuổi thọ 100 năm. Đường dẫn vào cầu phía ngã tư Vũng Tàu dài hơn 100m, rộng 47m, phần đường dành cho xe chạy hơn 27m và vỉa hè hơn 16m. Phần đường dẫn phía cù lao Hiệp Hòa có chiều dài hơn 1,4km (nối vào đường Đặng Văn Trơn). Cầu An Hảo hiện đang trong giai đoạn thi kiến trúc, dự kiến khởi công vào cuối năm nay.
Để giảm áp lực đầu tư bằng vốn ngân sách, đường 319 nối dài được kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, theo tính toán của chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO, UBND tỉnh phải thực hiện phần giải phóng mặt bằng với số tiền khoảng 125 tỷ đồng thì dự án mới thực hiện được. Với dự án đường 25B, nếu theo phương án mở rộng 5km từ ngã tư Hiệp Phước đến quốc lộ 51 bằng đường hiện hữu cũng mất khoảng 460 tỷ đồng, hiện nay cũng chưa có phương án bố trí vốn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, việc đầu tư các dự án trọng điểm này không đơn thuần là giải quyết ùn tắc giao thông mà còn phải xem xét tính hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội. “Khi giao thông thuận tiện, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp cũng dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Vì vậy việc phát triển giao thông kết nối cho các KCN là rất cần thiết” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.
Vân Nam