Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phải là khâu đột phá

09:03, 05/03/2015

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không phải là chuyện mới nhưng chưa bao giờ lại trở thành vấn đề được quan tâm như hiện nay, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới.

6-ong-Phu.jpg
 

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không phải là chuyện mới nhưng chưa bao giờ lại trở thành vấn đề được quan tâm như hiện nay, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới. Phải nhận thức như thế nào về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện đất nước hội nhập với vô vàn thách thức; chúng ta đã đặt người nông dân và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đúng vị trí chưa; người dân được hưởng lợi gì khi xây dựng nông thôn mới... là những vấn đề được GS.TS  Phùng Hữu Phú, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đặc biệt quan tâm. Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai, GS.TS  Phùng Hữu Phú cho rằng:

Thực tế, chúng ta chưa làm được nhiều khi thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Một phần là do trình độ phát triển của nền nông nghiệp còn nhiều hạn chế, mặt khác do sự tác động của công nghiệp vào quá trình nông nghiệp chưa nhiều. Chúng ta vướng cả cơ chế, chính sách; khó khăn về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực...

* Đây có phải là nguyên nhân khiến nông dân Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt thòi, thưa giáo sư?

- Thành quả của 30 năm đổi mới, nông dân chưa được hưởng thụ thích đáng với những gì mà họ đã đóng góp. Nguyên nhân chính là vì chúng ta thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phát huy tốt hơn tiềm năng của hộ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp... Bà con nông dân do đó gặp nhiều vất vả, chịu nhiều thiệt thòi, rủi ro. Vì vậy, bây giờ chính là lúc chúng ta phải sửa những thiếu sót ấy để bà con gắn bó hơn với  nghề.

* Thưa giáo sư, đến bây giờ chúng ta mới sửa những thiếu sót và dành sự quan tâm lớn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Liệu có muộn không?

- Theo tôi là muộn đấy. Vì như tôi đã giải thích rồi, đây là lĩnh vực rất khó, nhiều rủi ro, ít lợi nhuận. Trên nói là quan tâm nhưng thực tế doanh nghiệp chưa vào cuộc và vì khó, nhiều rủi ro nên đòi hỏi phải có nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho nó. Lâu  nay chúng ta chưa tập trung thực hiện, cho nên đã đến lúc chúng ta cần biến nhận thức thành hành động cụ thể. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phải là khâu đột phá, đất nước này phải đi từ nông nghiệp.

* Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của nông nghiệp, nông thôn đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?

- Chúng ta chỉ thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nếu chúng ta thực hiện tốt công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, nếu không chuyển động tốt thì tốc độ, hiệu quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ không đạt. Vả lại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ không thuần túy về kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa nữa. Cho nên, nhất quán và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tới phải tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

* Với vai trò là nhà khoa học, nghiên cứu thực tiễn trong 30 năm qua, giáo sư có gợi ý gì để phát triển tốt nông nghiệp, nông thôn?

- Càng ngày chúng ta càng phải nhận thức sâu hơn rằng đi vào hội nhập, cạnh tranh cần phải xác định đúng phát triển tốt lợi thế đất nước. Đất nước ta muốn nói gì thì nói, vẫn là một đất nước nông nghiệp và nông nghiệp còn tiềm năng lắm. Trong một thế giới mà khủng hoảng lương thực, dân số toàn cầu ngày càng tăng cao, rõ ràng vấn đề lương thực, giải quyết nhu cầu về môi trường xanh, kinh tế xanh trở thành nhu cầu chung của khu vực và thế giới. Cho nên nếu chúng ta có con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đúng và nhanh thì chính là chúng ta phải chuyển lợi thế tiềm năng thành lợi thế hiện thực, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước.

Đồng Nai tiếp cận rất nhanh chủ trương xây dựng nông thôn mới, xây dựng được phương châm để xây dựng nông thôn mới rất thiết thực. Tỉnh đã đặt nông dân ở vị trí trọng tâm, chủ thể sáng tạo để họ thấy đây không phải là việc của chính quyền mà là của người dân, vì lợi ích của chính họ và con cháu họ, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

* Giáo sư đánh giá như thế nào về việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đồng Nai?

- Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 địa phương cấp huyện hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới. Đáng nói, Đồng Nai lại là tỉnh công nghiệp, không phải tỉnh nông nghiệp, trong đó công nghiệp, dịch vụ chiếm đến 94% GDP. Lẽ ra, sự quan tâm hàng đầu của tỉnh phải là công nghiệp nhưng trong tư duy của lãnh đạo tỉnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn lại là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ là kinh tế, xã hội mà còn là đạo lý vì chúng ta còn nợ nông dân nhiều, bởi đây là lực lượng dễ rủi ro, tổn thương. Chăm lo cho nông nghiệp, nông thôn còn là cách để chúng ta đền ơn đáp nghĩa đối với người nông dân.

Thực tiễn 30 năm đổi mới ở Đồng Nai, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Đồng Nai có những bài học kinh nghiệm mang tính phổ biến, có thể nhân rộng. Đó là nơi nào lãnh đạo có sự đồng thuận, quyết tâm cao, nơi đó sẽ đạt kết quả, hiệu quả như mong muốn. 

 Xin cảm ơn giáo sư!

Nguyễn Phượng (thực hiện)

 

Tin xem nhiều