Báo Đồng Nai điện tử
En

"Sóng lớn" của mía đường, bánh kẹo

11:03, 02/03/2015

Dù được bảo hộ đến năm 2018 theo cam kết gia nhập WTO, nhưng ngành mía đường Việt Nam vẫn đứng trước một tương lai không sáng sủa.

Dù được bảo hộ đến năm 2018 theo cam kết gia nhập WTO, nhưng ngành mía đường Việt Nam vẫn đứng trước một tương lai không sáng sủa. Cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức thành lập, hàng hóa trong khối có thuế suất nhập khẩu về 0% và bánh kẹo nội có thể mất dần chỗ đứng ngay sân nhà.

Sản xuất bánh kẹo tại Nhà máy Bibica (Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa) ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa).
Sản xuất bánh kẹo tại Nhà máy Bibica (Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa) ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa).

So với các nước trong khối ASEAN, giá đường của Việt Nam đang cao hơn khá nhiều do năng suất mía của Việt Nam còn thấp, máy móc lạc hậu. Bên cạnh đó, những thương hiệu bánh kẹo, nước giải khát Việt muốn tìm cách tồn tại, phát triển phải chọn cách bán số lượng lớn cổ phần của công ty cho các doanh nghiệp nước ngoài.

* Con đường chông gai

Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra, ngành mía đường trong nước chỉ còn 3 năm cho cuộc chạy đua với đường nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là đường của Thái Lan. Trong 3 năm tới, nếu ngành đường không tìm được bước đột phá để đẩy năng suất mía lên 100 tấn/hécta/năm và thay đổi hệ thống máy móc trong sản xuất sẽ có nguy cơ thua ngay sân nhà.

Thực tế, năng suất mía của Việt Nam hiện rất thấp, bình quân chỉ xấp xỉ 60 tấn/hécta/năm, trong khi tại các nước lân cận, năng suất từ 100 tấn/hécta/năm. Ngoài ra, chất lượng mía (chữ đường) trong mía của nước ngoài cũng luôn cao hơn Việt Nam từ 20-30%. Vì thế, giá thành đường của Việt Nam thường cao ngất ngưởng, và 2 năm nay nông dân trồng mía và các nhà máy đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Giá mía nguyên liệu theo đó cũng giảm, nông dân trồng mía thấy lợi nhuận từ cây mía thấp đã thu hẹp dần diện tích.

Ông Bùi Văn Lang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa), cho biết: “Ngành đường đang đứng trước khó khăn rất lớn, nếu chỉ doanh nghiệp và nông dân liên kết với nhau cũng khó vượt qua được. Hầu hết các loại giống mía cho năng suất và chất lượng cao, máy móc để cơ giới hóa trong trồng mía phải nhập khẩu. Vốn vay cho nông dân, doanh nghiệp dù lãi suất có giảm nhưng vẫn cao”.

Giữa bánh kẹo và ngành mía đường có mối “duyên tình” khá mật thiết. Bởi đường sản xuất ra có đến gần 70% cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát. Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại, khi các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ phần lớn cổ phần tại các công ty bánh kẹo, họ sẽ ưu tiên hàng đầu là giá rẻ và tiếp đến là những nhà cung cấp đường của nước mình.

Theo ông Lang, muốn ngành mía đường có chỗ đứng vững tại thị trường trong nước và xuất khẩu, đòi hỏi có liên kết chặt chẽ 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân). Nhà khoa học tìm lai tạo các giống tốt để chủ động về giống và nghiên cứu chế tạo ra các máy móc phù hợp với điều kiện trong nước, còn nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách.

* Không còn độc quyền

Dù vẫn mang danh là bánh kẹo Việt nhưng các thương hiệu bánh kẹo lớn của Việt Nam, như: Kinh Đô, Bibica đều đã nhượng lại phần lớn cổ phần cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cuối năm 2014, Tập đoàn Kinh Đô đã quyết định bán lại 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo cho Tập đoàn thực phẩm Mondelez (tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ).

Tương tự, Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) đã chuyển nhượng số lượng lớn cổ phần cho Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc. Do đó, hoạt động của công ty đều do các ông chủ nước ngoài chi phối. “Hiện nay, Lotte đã nắm lượng lớn cổ phần của Bibica. Dù vẫn là bánh kẹo mang thương hiệu Việt nhưng thực tế không còn hoàn toàn là của Việt Nam” - ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Nhà máy Bibica ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) cho hay.

Ông Nguyễn Giỏ, Trưởng phòng nguyên liệu Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán), nói: “Lượng đường đóng túi bán cho người tiêu dùng chỉ chiếm số lượng nhỏ. Nếu mất đi các khách hàng là những doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát thì đầu ra rất khó khăn. Vì thế, công ty phải có nhiều chính sách để duy trì vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất chất lượng và đầu tư máy móc để hạ giá thành của đường nhằm tăng sức cạnh tranh”.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều