Trả lời trước báo giới và công luận, lãnh đạo tỉnh luôn khẳng định Đồng Nai không chạy theo thành tích trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) - dù rằng đây là lĩnh vực đã đưa nền kinh tế và tiếng tăm của Đồng Nai lên cao trong suốt hơn 20 năm qua. Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc nâng chất thu hút FDI.
Trả lời trước báo giới và công luận, lãnh đạo tỉnh luôn khẳng định Đồng Nai không chạy theo thành tích trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) - dù rằng đây là lĩnh vực đã đưa nền kinh tế và tiếng tăm của Đồng Nai lên cao trong suốt hơn 20 năm qua. Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc nâng chất thu hút FDI.
Công nhân thực hành kỹ thuật tại Công ty Bosch ở Khu công nghiệp Long Thành. |
Để xem xét một dự án FDI có được cấp phép đầu tư hay không, Đồng Nai đặt các tiêu chí xanh - sạch - công nghệ cao lên hàng đầu, đúng với xu hướng ở các nước phát triển hiện nay.
* Hướng đến khu công nghiệp xanh
Từ đầu năm 2014 đến nay, các dự án, nhà máy sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch ở các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh liên tục đi vào hoạt động. Đây cũng là kết quả của nhiều năm mà Đồng Nai đã theo đuổi thu hút đầu tư. Các sự kiện này có thể điểm qua, như: đầu tháng 3-2014, Công ty On Semiconductor Việt Nam (vốn đầu tư của Mỹ) đã đưa nhà máy sản xuất vi mạch tại KCN Biên Hòa 2 vào hoạt động. Đây là nhà máy sử dụng công nghệ cao và có môi trường sản xuất sạch. Tại lễ khánh thành nhà máy, ông Keith Jackson, Chủ tịch On Semiconductor minh họa bằng một ví dụ khá sinh động về môi trường sản xuất rất nghiêm ngặt của doanh nghiệp (DN): “Mọi người cứ hình dung nhà máy này như một hồ bơi Olympic, chỉ cần đổ xuống đó một muỗng cà phê muối thôi là hỏng hết toàn bộ. Môi trường sản xuất ở đây phải thật sạch và tinh khiết”. Nhà máy sản xuất vi mạch này được đầu tư với tổng số vốn 97 triệu USD, nhưng riêng tiền đầu tư vào xây dựng các phòng sạch và thiết bị để đáp ứng tiêu chuẩn của công nghệ bán dẫn chiếm hết 75 triệu USD. Các sản phẩm là vi mạch tích hợp và những giải pháp bán dẫn của On Semiconductor Việt Nam dùng cho thiết bị các ngành y tế, hàng không vũ trụ, ô tô, truyền thông, máy tính và nhiều ngành công nghiệp khác. Trong giai đoạn 1, nhà máy sản xuất khoảng 50 triệu sản phẩm/năm; giai đoạn 2 công ty sẽ mở rộng sản xuất tăng lượng sản phẩm lên khoảng 500 triệu sản phẩm/năm.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tỉnh đã cho thành lập 3 phân khu để thu hút các doanh nghiệp này. Cụ thể là Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6D (100 hécta) do Tổng công ty Tín Nghĩa làm chủ đầu tư hạ tầng, nơi đây đã thỏa thuận cho thuê được 23 hécta; Khu công nghiệp An Phước (46 hécta) cũng do Tín Nghĩa đầu tư hạ tầng và Khu công nghiệp Giang Điền (hơn 40 hécta) do Tổng công ty phát triển khu công nghiệp - Sonadezi làm chủ đầu tư. Tỉnh cũng đang xin cơ chế chính sách ưu đãi riêng cho những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này. |
Cũng trong lĩnh vực điện tử, tại KCN Nhơn Trạch 3, Công ty TNHH Koken Việt Nam (100% vốn DN Nhật Bản) cũng vừa đưa nhà máy sản xuất chăn, gối và đệm điện vào hoạt động. Giám đốc công ty - ông Ishikawa Satoshi, cho biết đây là sản phẩm thuộc dòng hàng cao cấp, sau khi sản xuất sẽ được xuất khẩu về Nhật Bản. Dây chuyền để sản xuất sản phẩm này thuộc vào công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Ở ngành thực phẩm đồ uống, tại KCN Amata cuối tháng 3 vừa qua, Công ty Nestlé Việt Nam (vốn đầu tư của Thụy Sĩ) cũng vừa đưa nhà máy chế biến hạt cà phê khử caffein vào sản xuất. Theo giải thích của ông Nakhle Kattan, Giám đốc nhà máy thì đây là công nghệ tách caffein hiện đại nhất hiện nay, thân thiện với môi trường. Nhà máy sử dụng nước để tách caffein và dùng than hoạt tính thu chất caffein. Lượng caffein sau khi thu được sẽ cung cấp cho ngành dược phẩm và các DN chế biến đồ uống khác. Ông Nakhle Kattan nói: “Công nghệ tách caffein trước đây sử dụng bằng cồn nên gây ô nhiễm, còn công nghệ sử dụng bằng nước rất thân thiện với môi trường. Đầu tư công nghệ này có chi phí cao, nhưng đó cũng là cam kết của DN với địa phương”.
Theo danh sách cấp giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh, trong 2 năm trở lại đây, phần lớn các dự án (kể cả dự án mở rộng) đều nằm trong “luồng xanh”, đảm bảo những tiêu chí tốt về môi trường, sử dụng công nghệ cao và ít lao động.
* Chào đón công nghiệp hỗ trợ
Một tâm lý chung phổ biến là các địa phương thường mong muốn thu hút những dự án có vốn đầu tư lớn, có khi lên đến hàng trăm triệu USD vì chỉ cần một số ít dự án, thành tích thu hút FDI của một tỉnh đã tăng vọt. Tuy nhiên, xác định phải phát triển công nghiệp hỗ trợ nên Đồng Nai chấp nhận sàng lọc và tiếp nhận những dự án có khi chỉ vài triệu USD, trong khi buộc phải từ chối những dự án hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD nếu không đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Câng nhân Công ty Koken (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) đang kiểm tra sản phẩm. |
Chỉ với 3 triệu USD, giữa năm 2014, Công ty TNHH Osaka Fuji Việt Nam (thuộc Công ty cổ phần Osaka Fuji Nhật Bản) đã khởi công xây dựng nhà máy tại KCN Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). Đầu năm nay, nhà máy của DN này cũng vừa đi vào hoạt động. Tổng giám đốc Công ty cổ phần Osaka Fuji Nhật Bản Oshima Mitoji cho biết, đây là dự án đầu tiên của Osaka Fuji đầu tư ra nước ngoài. Sản phẩm của nhà máy là các chi tiết, linh kiện, phụ tùng phục vụ cho máy móc của ngành công nghiệp xi mạ và cơ khí chế tạo máy. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các công ty sản xuất tại Việt Nam.
Sự ưu ái mời gọi dự án ngành công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai đã phát huy hiệu quả, dù đa số các dự án vẫn có quy mô vốn khá nhỏ, song bước đầu một số dự án công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn cũng đã tìm đến. Đơn cử như dự án của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5) sản xuất sợi vải mành, sợi thép cho sản xuất lốp ô tô; Công ty TNHH YKK Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) sản xuất dây kéo khóa các loại... có mức vốn lên đến vài trăm triệu USD. |
Cũng ở KCN Nhơn Trạch 3, Công ty TNHH Okatsune Việt Nam (vốn đầu tư của DN Nhật Bản) chỉ có vỏn vẹn 1,4 triệu USD vốn đầu tư cũng vừa đi vào hoạt động. DN sản xuất các loại bánh răng, bơm bánh răng, máy dùng trong bảo trì xe hơi, máy thay nhớt, máy hút bụi. Sản phẩm của DN này phần lớn cung cấp cho thị trường trong nước. Công ty Aureole 100% vốn đầu tư Nhật Bản (KCN Amata) cuối tháng 3 vừa qua cũng bước vào sản xuất. Sản phẩm của DN là gia công, lắp ráp các linh kiện của ô tô và một số máy móc cơ khí khác. Vốn đầu tư của DN này cũng thuộc dạng khiêm tốn, chỉ có khoảng 4,6 triệu USD. Đây là những DN thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đang được tỉnh mời gọi đầu tư.
Một thời gian dài lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ không được chú ý đến, chính vì vậy nhiều ngành công nghiệp không phát triển được và yếu thế cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp, chính vì vậy lĩnh vực này đang được khuyến khích thu hút đầu tư. Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN, mấy năm gần đây các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng đáng kể, nhiều nhất là khối DN đến từ Nhật Bản.
Nhóm PV kinh tế