Chỉ với căn nhà trên 100m2, ông Nguyễn Văn Khéo (ngụ thị trấn Long Thành, huyện Nhơn Trạch) đã nuôi được hàng trăm cặp dúi sinh sản. Loài vật này không gây ô nhiễm môi trường, cần rất ít diện tích nuôi nên là mô hình nông nghiệp đô thị cho lợi nhuận rất cao.
Chỉ với căn nhà trên 100m2, ông Nguyễn Văn Khéo (ngụ thị trấn Long Thành, huyện Nhơn Trạch) đã nuôi được hàng trăm cặp dúi sinh sản. Loài vật này không gây ô nhiễm môi trường, cần rất ít diện tích nuôi nên là mô hình nông nghiệp đô thị cho lợi nhuận rất cao.
Ông Nguyễn Văn Khéo giới thiệu căn nhà nuôi dúi cho thu nhập cao nằm ngay thị trấn Long Thành. Ảnh: B.Nguyên |
* Đầu tư cho đặc sản
Theo lời ông Khéo, gia đình ông vốn sống bằng nghề làm ruộng, khi Long Thành dần đô thị hóa mới bán ruộng xoay qua nghề kinh doanh, buôn bán. Ông Khéo mê nuôi các loài chim, thú nên thường nuôi vài cặp chim trĩ, gà rừng, dúi... làm cảnh. Có giai đoạn ông đầu tư nuôi rắn, nhưng đầu ra gặp khó khăn nên bỏ nuôi rắn, tập trung vào nuôi con dúi.
Năm 2013, ông Khéo bắt đầu gầy dựng đàn dúi với quy mô lớn. Ông mua hẳn căn nhà rộng hơn 100m2 để nuôi dúi. Thời gian đầu, ông mua hàng chục cặp dúi về gầy đàn nhưng do thiếu kinh nghiệm nên tỷ lệ dúi hao hụt nhiều. Nhưng chính những khó khăn, thất bại khiến ông càng quyết tâm bỏ công học hỏi cách chăm sóc tốt loài vật này.
Ban đầu ông Khéo cho xây bể xi măng kín có nắp đậy làm chuồng cho dúi. Nhưng sau một thời gian, thấy nuôi bằng bể kín bất tiện cho việc theo dõi sinh trưởng, chi phí cao, lại tốn diện tích nên ông Khéo mày mò tìm hiểu dùng gạch lát nền size lớn quây lại thành từng ô cho dúi ở. Chuồng nuôi được cải tạo theo cách này thấp, gọn hơn bể xi măng rất nhiều nhưng mặt gạch trơn nên không làm nắp che cũng không lo dúi bò ra ngoài. Bên cạnh đó, ông cho thiết kế dàn kệ sát tường chia ô cho dúi ở. Ông Khéo khoe: “Diện tích căn nhà chỉ rộng 105m2, nhưng tôi cải tiến để đủ sức chứa được khoảng 700 cặp dúi. Không có mô hình chăn nuôi nào lại cần ít đất mà mang lại lợi nhuận tốt như nuôi dúi”.
* Chuyên nuôi dúi sinh sản
Ông Khéo kể, với kinh nghiệm tích lũy được giờ ông chỉ cần nhìn phân dúi hoặc cách nó ăn là biết sức khỏe của con vật này tốt hay không.
Theo đó, nuôi dúi làm con giống khó hơn nuôi dúi lấy thịt vì người nuôi phải theo sát từng chu kỳ sinh trưởng để biết lúc nào nên phối giống, biết chăm sóc đúng cách khi dúi mẹ mang thai. Nhưng con giống bán được giá cao và đầu ra ổn định hơn so với bán thịt nên trại dúi của ông Khéo tập trung vào sản xuất con giống cung cấp ra thị trường.
Ông Khéo tính toán: “Một cặp dúi bố mẹ đã sinh sản, tôi bán được 4 triệu đồng, mức giá này cao hơn hẳn giá bán dúi thịt chỉ hơn 400 ngàn đồng/kg. Hiện nay nhu cầu con dúi giống còn khá lớn, có người mua nuôi làm cảnh, có người đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn nên cung không đủ cầu”. Trại dúi của ông Khéo nhờ có sản lượng lớn nên thu hút khách hàng từ nhiều tỉnh, thành đến đặt con giống.
Bình Nguyên