Năm 2019, kế hoạch của tỉnh là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ đạt 1 tỷ USD, nhưng đến cuối tháng 8, đã thu hút được trên 1,21 tỷ USD, vượt kế hoạch hơn 21%. Với lợi thế về hạ tầng giao thông, thổ nhưỡng, khí hậu, Đồng Nai tiếp tục được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn lựa đầu tư mới và mở rộng dự án.
Năm 2019, kế hoạch của tỉnh là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ đạt 1 tỷ USD, nhưng đến cuối tháng 8, đã thu hút được trên 1,21 tỷ USD, vượt kế hoạch hơn 21%. Với lợi thế về hạ tầng giao thông, thổ nhưỡng, khí hậu, Đồng Nai tiếp tục được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn lựa đầu tư mới và mở rộng dự án.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Koyu - Unitex (vốn FDI) tại Khu công nghiệp Loteco - TP.Biên Hòa (Ảnh: Tư liệu) |
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong gần 8 tháng của năm nay đã có 64 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký là gần 584 triệu USD và 77 dự án tăng vốn đầu tư thêm trên 630 triệu USD.
* Vẫn trong tốp đầu “hút” vốn
Một số dự án FDI cấp mới có vốn lớn là: Dự án Công ty TNHH Otsuka Techno Việt Nam (Nhật Bản) có vốn đăng ký là 72 triệu USD, sản xuất các loại phim nhựa; Dự án Nhà máy Công ty TNHH Kenstone Việt Nam (Samoa) vốn đầu tư đăng ký 20 triệu USD tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch). Tăng thêm vốn lớn là Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa (Đài Loan) tăng 92 triệu USD; Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Nhật Bản) tăng vốn 60 triệu USD... |
Thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai trong 10 năm qua được chọn lọc kỹ về ngành nghề, song tỉnh vẫn nằm trong tốp 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Những năm gần đây, thu hút đầu tư FDI của tỉnh chú trọng nhiều đến ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng và sử dụng ít lao động chứ không chỉ là vốn đầu tư. Tuy vậy, Đồng Nai vẫn là miền đất “hứa” với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Nhiều “ông lớn” trên lĩnh vực công nghiệp đều đã đến tỉnh đầu tư như: Hyosung, Ajinomoto, Kenda, Chang Shin, Pou Chen, Taekwang, Fujitsu, Meggitt, Bosch...
Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh hơn 260 dự án, tổng vốn đăng ký là 4,6 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh hoạt động tương đối hiệu quả. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản dự tính sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Đồng Nai”.
Đa số các dự án FDI thu hút được trong năm nay là của nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Trong đó có những dự án cấp mới, tăng vốn từ 20-90 triệu USD.
Ông Park Il Bong, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hi Knit ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất và gia công vải dệt kim, sau khi đầu tư vào Đồng Nai sản xuất kinh doanh hiệu quả, chúng tôi mới tăng vốn thêm 50 triệu USD để nâng công suất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngành dệt may của Đồng Nai và các tỉnh lân cận phát triển nên vải công ty sản xuất ra rất dễ tìm khách hàng ở trong nước”. Hiện công ty này đã nâng tổng vốn đầu tư tại Đồng Nai lên hơn 100 triệu USD.
* Giải ngân vốn nhanh
Từ đầu năm đến nay, việc giải ngân vốn FDI trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhanh, khả năng đến cuối tháng 9-2019 sẽ hoàn thành kế hoạch năm. Đến cuối tháng 8-2019, các doanh nghiệp FDI đã giải ngân được 950 triệu USD, đạt 95% kế hoạch năm.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết: “Các doanh nghiệp FDI được cấp phép đầu tư vào tỉnh thường tiến hành hoàn tất thủ tục hồ sơ nhanh và xây dựng nhà xưởng để đi vào sản xuất. Có những dự án chỉ sau 6-12 tháng cấp phép đầu tư đã đi vào hoạt động”.
Bà Lily Lin, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt cho hay: “Tôi và nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Đồng Nai đã nhiều năm và sản xuất kinh doanh khá thuận lợi. Mọi vướng mắc của doanh nghiệp được tỉnh giải quyết nhanh”.
Các doanh nghiệp FDI khi “rót” vốn vào tỉnh đều muốn đẩy nhanh tiến độ dự án sớm đi vào sản xuất xuất khẩu và cung ứng cho thị trường trong nước. Vì vậy, nếu được hỗ trợ hiệu quả các thủ tục về đầu tư, doanh nghiệp sẽ giải ngân vốn nhanh vì dự án sớm đi vào sản xuất đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đến ngày 20-8-2019, có 1.430 dự án FDI đầu tư vào Đồng Nai còn hiệu lực với vốn đăng ký gần là 29,7 tỷ USD. Dẫn đầu trong 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai là Hàn Quốc, tiếp đến là Đài Loan rồi đến Nhật Bản. |
Khánh Minh