Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai mở cửa đón dự án du lịch

10:12, 04/12/2019

Trong những năm qua, ngành du lịch Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực về các mặt: sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch… Nhờ vậy, lượt khách và doanh thu du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ du lịch cao hơn tăng trưởng bình quân lượt khách. Điều đó cho thấy sản phẩm du lịch Đồng Nai ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh hơn.

Trong những năm qua, ngành du lịch Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực về các mặt: sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch… Nhờ vậy, lượt khách và doanh thu du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ du lịch cao hơn tăng trưởng bình quân lượt khách. Điều đó cho thấy sản phẩm du lịch Đồng Nai ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh hơn.

Du khách đạp xe, ngắm cảnh đẹp thiên nhiên quanh bờ hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu)
Du khách đạp xe, ngắm cảnh đẹp thiên nhiên quanh bờ hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu)

Với mục tiêu đưa ngành du lịch Đồng Nai trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều dự án lớn nhằm tạo bước đột phá trong ngành du lịch của Đồng Nai.

* Nhiều tiềm năng du lịch

Nếu trước đây du lịch sinh thái rừng chưa được khách du lịch quan tâm, thưởng ngoạn thì nay loại hình du lịch này đang được ưa chuộng. Đồng Nai đang có rất nhiều ưu thế về tài nguyên rừng, với diện tích rừng rộng lớn (hơn 150 ngàn hécta), trong đó có cả rừng tự nhiên, khu Ramsar (khu đất ngập nước) và nhiều di tích, danh thắng cấp quốc gia. Trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhiều điểm tham quan, du lịch gắn với rừng được nhiều du khách tìm đến.

 Cụ thể như: Chiến khu rừng Sác (huyện Long Thành và Nhơn Trạch); rừng Thác Mai - bàu nước nóng ở Lâm trường Tân Phú (huyện Định Quán), Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú) và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Căn cứ Khu ủy miền Đông, Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu)...

Bên cạnh đó, sông Đồng Nai cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Đây là con sông nội địa dài nhất Việt Nam và lớn thứ nhì Nam bộ về lưu vực (chỉ sau sông Cửu Long). Dọc sông Đồng Nai có những dòng suối, hồ và những dòng thác đẹp như: Thác Mai - bàu nước nóng, thác Ba Giọt, thác Giang Điền, hồ Trị An mênh mông như biển cả. Tuyến du lịch đường sông còn đi qua nhiều di tích lịch sử, nhiều cảnh đẹp của Đồng Nai như: Văn miếu Trấn Biên, nhà cổ Trần Ngọc Du, đình Tân Lân, đình Nguyễn Tri Phương, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh... Đặc biệt, tuyến du lịch này còn nối kết với các điểm du lịch sinh thái như: Làng bưởi Tân Triều, Cù lao Ba Xê...

Ngoài ra, trong suốt quá trình hơn 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, với truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng, vùng đất - con người Đồng Nai đã tạo nên những di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc, địa danh lịch sử nổi tiếng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 57 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia (trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh) và trên 1 ngàn di tích phổ thông khác.

* Những chuyển động tích cực

Để khai thác những tài nguyên du lịch, trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối các khu du lịch. Qua đó, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển và đưa vào hoạt động các dự án như: Khu du lịch Suối Mơ - Tân Phú (vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng), hệ thống cáp treo tại danh thắng quốc gia núi Chứa Chan - Xuân Lộc (gần 300 tỷ đồng)... Đồng thời, các khu, điểm du lịch hiện hữu cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch như: Khu du lịch Bửu Long, Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP.Biên Hòa), Khu du lịch thác Giang Điền (huyện Trảng Bom), Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường (huyện Vĩnh Cửu)...

Đặc biệt, dự án Khu du lịch Sơn Tiên (quy mô 371 hécta) đang trong giai đoạn hoàn thiện, là một khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế với các tổ hợp: công viên nước, công viên chuyên đề và quần thể văn hóa, tâm linh, dã ngoại, cắm trại ngoài trời. Khu du lịch này dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào thời điểm Tết Nguyên đán năm 2020 với công suất phục vụ cho hơn 2 triệu lượt khách/năm.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đang lập các thủ tục để triển khai dự án khác như: tuyến du lịch đường sông (vốn đầu tư dự kiến trên 1 ngàn tỷ đồng), du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí tại hồ Trị An (khoảng 1,3 ngàn tỷ đồng), du lịch sinh thái Thác Mai - bàu nước nóng (khoảng 300 tỷ đồng... Đây là những dự án quan trọng để góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng của du lịch Đồng Nai trong những năm tiếp theo, tạo điều kiện cho du lịch phát triển đột phá, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để ngành du lịch Đồng Nai phát triển xứng với tiềm năng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng cho rằng, tỉnh cần huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; nâng cao nhận thức về du lịch bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phát triển sản phẩm đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đồng Nai cũng cần chú trọng  phát triển nguồn nhân lực du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao vai trò của Hiệp hội Du lịch Đồng Nai; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu của tỉnh đã đề ra...

Đến nay, Đồng Nai có 21 khu, điểm du lịch, tham quan, vui chơi giải trí, sinh thái, thể thao, tín ngưỡng, văn hóa…; có 127 cơ sở lưu trú du lịch, 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh theo quy định, 7 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 5 chi nhánh văn phòng đại diện du lịch.

Thành An

Tin xem nhiều