Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy đất cho thuê trong các khu công nghiệp (KCN) của Đồng Nai đã đạt gần 79%. Diện tích đất còn lại chưa cho thuê được, đa số vì còn vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy đất cho thuê trong các khu công nghiệp (KCN) của Đồng Nai đã đạt gần 79%. Diện tích đất còn lại chưa cho thuê được, đa số vì còn vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó, bất động sản trong các KCN của tỉnh đang dần trở nên rất hiếm.
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 hiện đã hết diện tích đất cho thuê. Ảnh: H.Giang |
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trong 31 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có đến gần 20 KCN đã lấp đầy. Các KCN còn lại diện tích cho thuê rất ít, trong khi nhu cầu thuê đất để làm nhà xưởng sản xuất, kinh doanh vẫn tương đối lớn. Vì thế, tỉnh dự kiến sẽ mở rộng và xây mới hàng loạt KCN để giải “cơn khát” bất động sản trong các KCN.
* Khó tìm diện tích lớn
Theo quy hoạch, Chính phủ phê duyệt cho Đồng Nai 35 KCN, nhưng hiện tỉnh mới thành lập được 32 KCN. Trong đó, 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng để làm hạ tầng kỹ thuật. Còn lại 3 KCN đã có quy hoạch nhưng đang mời gọi nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hoàn tất các thủ tục đầu tư. Riêng KCN Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), UBND tỉnh dự tính sẽ đưa ra khỏi quy hoạch. Nguyên nhân là vì trên diện tích đất quy hoạch KCN Gia Kiệm dân cư sinh sống khá đông, một số doanh nghiệp dự tính vào đầu tư hạ tầng nhưng sau khi tính toán thì số tiền bồi thường, tái định cư quá lớn nên khi hoàn thành và cho thuê, lợi nhuận sẽ rất thấp nên đã xin rút lui.
Tại Đồng Nai có một số KCN khi mở rộng, làm mới công tác bồi thường kéo dài 4-10 năm chưa xong, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư và môi trường đầu tư. |
Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết: “Đất cho thuê trong các KCN của tỉnh còn lại rất ít và đa phần nằm rải rác với diện tích nhỏ. Do vậy, khi một số doanh nghiệp nước ngoài dự tính đầu tư vào Đồng Nai, muốn tìm diện tích đất làm nhà xưởng khoảng 8-10 hécta thì gần như không còn. Theo quy hoạch, tỉnh còn hơn 1 ngàn hécta đất trong KCN để cho thuê nhưng thực tế vẫn còn đang vướng mắc ở khâu bồi thường”.
Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam (chủ đầu tư hạ tầng KCN Amata ở TP.Biên Hòa và KCN công nghệ cao Long Thành) cho hay: “KCN Amata đã cho thuê hết đất nên đang tiến hành mở rộng giai đoạn 2. Tuy nhiên, do vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng nên vẫn chưa làm xong hạ tầng để tiếp tục cho nhà đầu tư thứ cấp thuê. Tại KCN công nghệ cao Long Thành, dự kiến trong năm 2018 là hoàn thành hạ tầng và cho thuê, nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn bồi thường”.
Một số KCN khác như: Sông Mây, Hố Nai, Định Quán, Dầu Giây... hiện đang tiến hành mở rộng diện tích nhưng cũng đang gặp khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) ở KCN Nhơn Trạch 5 nói: “Công ty muốn tiếp tục tăng vốn, mở rộng sản xuất tại KCN Nhơn Trạch 5 nhưng lại gặp khó vì không có sẵn quỹ đất để thuê”.
* “Cơn khát” có thể sẽ kéo dài
UBND tỉnh vừa lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về nội dung mở thêm 8 KCN và hầu hết đều thống nhất, nhưng để hoàn thành các thủ tục, mời gọi nhà đầu tư hạ tầng cho đến khi có thể cho thuê còn phải trải qua một giai đoạn khá dài. Bên cạnh đó, khâu giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để làm hạ tầng cũng mất từ 3-5 năm. Như vậy, bất động sản trong KCN của Đồng Nai ngày càng khan hiếm.
Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho rằng, với lợi thế là hàng loạt dự án hạ tầng về giao thông đang được đầu tư xây dựng, trong tương lai Đồng Nai sẽ trở thành khu vực đầu mối về giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, dư địa để thu hút và phát triển công nghiệp trong thời gian tới sẽ rất tốt. Theo quy định của Chính phủ, các KCN lấp đầy 60% trở lên là các tỉnh, thành phố có thể đề xuất bổ sung quy hoạch KCN mới. Do đó, Đồng Nai sẽ nhanh chóng hoàn thành các thủ tục đề xuất mở thêm các KCN mới tại các địa phương như: Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Khánh...
Tuy nhiên, muốn giải “cơn khát” bất động sản KCN trong thời gian tới và đón dòng đầu tư nước ngoài, tỉnh phải đẩy nhanh việc hoàn thành các hồ sơ thủ tục trình Chính phủ chấp thuận đưa vào quy hoạch KCN Việt Nam thì mới có thể thực hiện các bước tiếp theo. Mặt khác, nếu các KCN được thành lập và có nhà đầu tư hạ tầng, nhưng nếu không có phương án bồi thường tốt để giải phóng mặt bằng, nhanh chóng có đất sạch để xây dựng hạ tầng và thu hút doanh nghiệp đầu tư thứ cấp thì dự án có thể sẽ kéo dài nhiều năm.
Hiện nay, nhiều dự án của Đồng Nai đang bị chậm tiến độ từ 5-8 năm cũng do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là người dân không đồng ý vì cho rằng giá bồi thường đất quá thấp so với giá đất chuyển nhượng trên thị trường.
Ngày 2-12, tại cuộc họp thảo luận nhóm của HĐND tỉnh trước kỳ họp cuối năm, Ủy viên Trung ương Đảng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Các địa phương cần xem xét lại giá bồi thường cho những hộ dân bị thu hồi đất. Không được để giá đất bồi thường quá thấp so với giá thị trường khiến người dân thiệt thòi phải khiếu nại, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án”.
Hương Giang