Nhiều dự án nạo vét, mở rộng các con suối trên địa bàn Đồng Nai để phục vụ mục tiêu chống ngập đang rơi vào cảnh không thể tiến hành thi công hoặc thi công ì ạch do gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Nhiều dự án nạo vét, mở rộng các con suối trên địa bàn Đồng Nai để phục vụ mục tiêu chống ngập đang rơi vào cảnh không thể tiến hành thi công hoặc thi công ì ạch do gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Tiến độ thi công dự án thoát nước suối Nước Trong (đoạn qua xã An Phước, huyện Long Thành) bị ảnh hưởng do chưa hoàn thành công tác giải phóng mật bằng. Ảnh: P.Tùng |
* Những dự án bị trễ hẹn
Những năm qua, các phường Long Bình, Long Bình Tân, Phước Tân, An Hòa (TP.Biên Hòa) thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn. Đặc biệt, tình trạng ngập khi trời mưa diễn ra thường xuyên và trầm trọng trên tuyến quốc lộ 51. Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan. Tổng kinh phí cho dự án khoảng 157 tỷ đồng. Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2018 và hoàn thành vào năm 2020.
Tuy nhiên, đến nay khi đã quá thời hạn dự kiến khởi công gần 1 năm, các dự án chống ngập khu vực 3 suối nói trên vẫn chưa hẹn ngày... khởi công.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, cùng với việc thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB các dự án nạo vét suối chống ngập, các cơ quan chức năng cần lưu ý trong thi công phải thực hiện ở khu vực hạ nguồn trước. Điều này nhằm tránh tình trạng nước từ thượng nguồn đổ về nhiều và mạnh nhưng bị tắc nghẽn ở khu vực hạ nguồn dẫn đến nguy cơ cuốn trôi nhà cửa, tài sản của người dân khu vực này. |
Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, hiện nay, TP.Biên Hòa mới chỉ thực hiện công tác kiểm kê, bồi thường GPMB đối với 2 tuyến suối Chùa và suối Bà Lúa được khoảng 90%. Trong khi đó, tuyến suối Cầu Quan vẫn chưa thể thực hiện công tác kiểm kê, bồi thường GPMB.
“Do công tác bồi thường, GPMB chưa hoàn thành nên dự án chưa đủ điều kiện để đấu thầu khởi công vào cuối năm nay” - ông Trần Văn Thanh cho biết.
Lý giải về nguyên nhân chậm trễ trong công tác GPMB dự án chống ngập 3 tuyến suối trên địa bàn, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, thực tế dự án này đã có từ năm 2012. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do chưa bố trí được nguồn vốn nên dự án không được triển khai. Năm 2017, dự án được khởi động trở lại và được bố trí nguồn vốn cho công tác GPMB trong năm 2018. Tháng 10-2018, hạng mục bồi thường, GPMB của dự án được tách thành tiểu dự án riêng và UBND TP.Biên Hòa được giao thực hiện.
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, do thời gian kéo dài nên các biến động về đất đai ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện công tác GPMB của thành phố. “Dự án kéo dài 7 năm trong khi tình trạng tách thửa đất, mua bán, chuyển nhượng và xây dựng nhà cửa diễn ra nhiều nên hồ sơ bồi thường năm 2012 không còn phù hợp. Do đó, vào tháng 3-2019, thành phố mới thực hiện đo đạc toàn bộ theo hiện trạng thực tế để làm lại hồ sơ bồi thường, dẫn đến thời gian thực hiện GPMB kéo dài” - ông Huỳnh Tấn Lộc lý giải.
Tương tự, dự án thoát nước suối Nước Trong nằm trên địa bàn TP.Biên Hòa và huyện Long Thành cũng có nguy cơ trễ hẹn hoàn thành do vướng mặt bằng.
Dự án thoát nước suối Nước Trong được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015. Mục tiêu của dự án là nhằm đảm bảo thoát nước và chống ô nhiễm cho các khu công nghiệp Long Thành, Tam Phước, An Phước, Long Đức và một số khu dân cư mới hình thành như khu dân cư Tam Phước, An Phước...
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 580 tỷ đồng được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay việc thi công đoạn cuối tuyến (tuyến T0) và đoạn từ chùa Bạch Liên đến Trung tâm huấn luyện cảnh khuyển Bộ Quốc phòng (tuyến T1 nằm trên địa bàn huyện Long Thành) đang gặp khó vì chưa hoàn thành công tác GPMB. Theo đó, hiện vẫn còn 18 trường hợp trên địa bàn huyện Long Thành dù đã phê duyệt phương án bồi thường nhưng người dân chưa chịu nhận tiền bồi thường và chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Ngoài ra, còn có 24 trường hợp khác chưa hoàn thành phương án bồi thường.
* Tìm giải pháp xử lý
Theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc, đối với dự án chống ngập khu vực 3 tuyến suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan, diện tích đất cần thu hồi là hơn 15 hécta của 400 hộ dân. Việc thực hiện GPMB một lần đối với 400 hộ dân là rất khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ, UBND TP.Biên Hòa đã có kiến nghị được phân chia giai đoạn để thực hiện đối với công tác GPMB. Trong đó, ưu tiên thực hiện đối với khu vực hạ lưu các tuyến suối đoạn từ quốc lộ 51 ra đến sông Đồng Nai.
Kiến nghị này đã được UBND tỉnh chấp thuận và hiện nay UBND TP.Biên Hòa đang yêu cầu các địa phương trong vùng dự án tập trung cho công tác xác minh nguồn gốc đất, hoàn thành hồ sơ bồi thường. “UBND thành phố đang chỉ đạo ráo riết đối với các phường Long Bình Tân, An Hòa trong việc xác minh nguồn gốc đất để trình phê duyệt để có thể bàn giao mặt bằng các đoạn cuối tuyến trong tháng 12 này” - ông Huỳnh Tấn Lộc cho hay.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cũng cho biết, địa phương đang gấp rút triển khai các giải pháp để có thể hoàn tất công tác GPMB cho dự án thoát nước suối Nước Trong. “Đối với các trường hợp chưa chịu bàn giao mặt bằng, chúng tôi tiếp tục tiến hành vận động, sau đó nếu vẫn không được sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định” - ông Lê Văn Tiếp cho biết.
Dự án thoát nước suối Nước Trong đoạn qua địa bàn huyện Long Thành có 513 hộ dân và 11 tổ chức nằm trong diện thu hồi đất. Trong số này, hiện đã có 493 hộ dân và 7 tổ chức được phê duyệt phương án bồi thường. Tuy nhiên, vẫn còn 18 trường hợp chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng, 24 trường hợp chưa được phê duyệt phương án bồi thường. Do đó, theo ông Lê Văn Tiếp, huyện đang yêu cầu Trung tâm phát triển quỹ đất huyện tiến hành xác định giá đất để hoàn thành phương án bồi thường. Đối với các trường hợp đã được phê duyệt phương án bồi thường nhưng không nhận tiền và bàn giao mặt bằng, huyện đang lập hồ sơ để tiến hành cưỡng chế.
Phạm Tùng