Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời trang Việt vất vả cạnh tranh trên "sân nhà"

04:12, 25/12/2019

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu được hàng tỷ USD các sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, hàng may mặc của Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng thời trang của nước ngoài, đặc biệt là ở phân khúc bình dân, trung cấp...

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu được hàng tỷ USD các sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, hàng may mặc của Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng thời trang của nước ngoài, đặc biệt là ở phân khúc bình dân, trung cấp...

ADVERTISEMENT

Nhiều nhãn hàng thời trang Việt ngày càng chú trọng các thiết kế hiện đại, thường xuyên cập nhật các bộ sưu tập mới, chất liệu vải tốt để cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập Trong ảnh: Sản phẩm được trưng bày tại Cửa hàng Eva de Eva - một thương hiệu thời trang Việt trên đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương
Nhiều nhãn hàng thời trang Việt ngày càng chú trọng các thiết kế hiện đại, thường xuyên cập nhật các bộ sưu tập mới, chất liệu vải tốt để cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Trong ảnh: Sản phẩm được trưng bày tại Cửa hàng Eva de Eva - một thương hiệu thời trang Việt trên đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

Hiện nay, các dòng sản phẩm như: áo sơ mi, quần tây, vest, thời trang công sở của An Phước, Việt Tiến, May 10... vẫn giữ được “chỗ đứng” trên thị trường. Tuy nhiên, những dòng sản phẩm khác như: áo kiểu, áo thun, váy, áo len... của các thương hiệu Việt như: PT 2000, Ninomaxx, Blue Exchange... một thời được yêu thích thì nay đang phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu nước ngoài cùng phân khúc.

* Xu hướng “thời trang nhanh”

ADVERTISEMENT

Đứng trước cuộc “đổ bộ” của nhiều hãng thời trang ngoại, Việt Nam được xem là thời kỳ bùng nổ xu hướng “thời trang nhanh” (Fast Fashion). Đây là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những món quần áo bắt kịp xu hướng nhanh chóng và có giá cả phải chăng. Hiện nay, việc xuất hiện các thương hiệu “thời trang nhanh” của nước ngoài như: Zara, Mango, H&M, Topshop, Uniqlo... đang được người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn.

Quần áo của các thương hiệu này có ưu điểm thiết kế đẹp, cập nhật nhanh xu hướng thời trang thế giới, chất liệu nhẹ, mềm, phụ kiện bắt mắt và giá cả phù hợp. Nhiều mặt hàng giá chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn các thương hiệu trong nước từ 200-500 ngàn đồng/sản phẩm.

ADVERTISEMENT

Chị Hoài Anh, nhân viên văn phòng ở phường Bửu Long, TP.Biên Hòa chia sẻ, chị lựa chọn hàng hiệu tầm trung của nước ngoài vì giá không chênh lệch nhiều so với hàng trong nước nhưng chất liệu và mẫu mã đẹp, mỗi mùa đều có bộ sưu tập riêng, đổi mới liên tục. Trong khi hàng thời trang trong nước cũng có cập nhật nhưng không sang và đẹp như hàng ngoại.

Trong khi đó, thị trường thời trang Việt hiện nay có vài thương hiệu nổi bật theo xu hướng này với số lượng cửa hàng khá lớn như: Eva de Eva, Hnoss, Ivy Moda, Canifa... Phần còn lại chủ yếu là những thương hiệu nhỏ lẻ, phân mảnh, chưa đủ lớn để ghi dấu trong việc nhận diện thương hiệu đối với người tiêu dùng.

Khái niệm “ăn chắc, mặc bền” trở thành “ăn ngon, mặc đẹp”, quần áo cần thay đổi thường xuyên vì thời trang luôn đi theo xu hướng. Ngày nay, phần đông khách hàng ít chú trọng vào chất lượng, độ bền sản phẩm mà chủ yếu quan tâm vào mẫu mã, kiểu dáng, phong cách, màu sắc và nhất là phải đúng xu hướng, hợp thời đại...

Chị Thanh Mai, cửa hàng trưởng Cửa hàng thời trang Eva de Eva (đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa) cho hay, thương hiệu Eva de Eva đã hình thành hơn 10 năm trở lại đây và có mặt ở TP.Biên Hòa khoảng hơn 1 năm nay. Sản phẩm của Eva de Eva thường xuyên được cập nhật theo các bộ thời trang, chú trọng các thiết kế hiện đại, chất liệu vải tốt với giá từ 600 ngàn đến
6 triệu đồng/sản phẩm để cạnh trạnh với một số nhãn hàng nước ngoài cùng phân khúc. Trong đó, nhóm khách hàng chính mà thương hiệu hướng tới tầm từ 25 tuổi trở lên.

* Cạnh tranh với hàng ngoại online

Chi phí vận hành ngày càng tăng nhưng giá bán sản phẩm không thể tăng do phải cạnh tranh với các thương hiệu từ trong nước đến nước ngoài. Ngoài ra, sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, người tiêu dùng hiện đại ngày càng có xu hướng mua sắm online thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... nhiều hơn là đến trực tiếp các cửa hàng, chính vì thế việc mua sắm còn do cảm xúc và tiếp thị quảng cáo hơn là tính trung thành với thương hiệu.

Dù vậy, không phải khách hàng nào cũng có thể sở hữu những món đồ hiệu đắt tiền. Do đó, không chỉ chịu sức ép từ những “ông lớn” thời trang đình đám, các mặt hàng giá rẻ, chất lượng bình dân có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan đổ về cũng tạo một áp lực không nhỏ đối với ngành thời trang Việt. Nhiều sản phẩm có mức giá chỉ bằng 1/2, 1/3 với mẫu mã tương tự, thậm chí y hệt các thương hiệu nổi tiếng đã thu hút một bộ phận khách hàng ưu tiên lựa chọn sản phẩm về giá. 

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại một gian hàng thời trang Việt tại Trung tâm thương mại Vicom Biên Hòa. (Ảnh: Lam Phương)
Khách hàng chọn mua sản phẩm tại một gian hàng thời trang Việt tại Trung tâm thương mại Vicom Biên Hòa. (Ảnh: Lam Phương)

Không thua kém gì so với hàng hóa ở những thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản..., thời trang nội địa Quảng Châu (Trung Quốc) khá đa dạng về chất lượng, mẫu mã phong phú, bắt mắt, theo kịp xu hướng thời trang trên thế giới. Hiện nay, ngoài hình thức đến mua hàng từ các shop “đánh hàng” từ các chợ đầu mối, cửa khẩu ở Việt Nam, hay nhập hàng trực tiếp từ Trung Quốc thì việc đặt hàng qua website trực tuyến của nước này như: taobao.com, 1688.com, Tmall.com, Alibaba.com...  cũng khá phổ biến, khách hàng chỉ cần lựa chọn hoặc gửi hình ảnh, đường link của sản phẩm qua bên trung gian sau 5-10 ngày là có hàng.

Chị Ngọc Thuận (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay: “Ban đầu khi đặt hàng tôi cũng hơi e ngại vì tâm lý sợ hàng từ Trung Quốc, nhưng vì mẫu mã của loại hàng Quảng Châu này đẹp nên tôi đặt thử. Sau 1 tuần là có hàng, sản phẩm khá chất lượng, giá phù hợp lại đúng kiểu tôi thích nên đến giờ tôi vẫn thường đặt hàng từ đầu mối Quảng Châu”.

Nhiều nhãn hàng thời trang của Việt Nam vốn có nhiều kinh nghiệm, sự khéo léo, bảo đảm chất lượng trong làm hàng gia công cho những thương hiệu thời trang lớn trên thế giới thế nên không thể để thua ngay trên “sân nhà”. Trước xu thế cạnh tranh cao, nhiều nhãn hàng thời trang Việt đang ngày càng chú trọng khâu thiết kế, để nắm bắt, tạo ra nhanh và nhiều mẫu mã bắt kịp xu hướng như các thương hiệu ngoại nói chung và hàng nội địa Trung Quốc, Thái Lan nói riêng.

Ông Bùi Thanh Toàn, quản lý một cửa hàng Việt Tiến trên đường Đồng Khởi, phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) cho biết, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm phù hợp với các lứa tuổi, công việc, trong thời gian qua, nhãn hàng Việt Tiến còn chú trọng khâu tiếp thị, quảng bá và trưng bày sản phẩm để chinh phục tâm lý người tiêu dùng.

Lam Phương

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT