Hiện nay, vấn đề liên quan đến phát triển thương hiệu, xây dựng các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nâng cao giá trị cạnh tranh của các sản phẩm được nhiều doanh nghiệp địa phương ngày càng coi trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Hiện nay, vấn đề liên quan đến phát triển thương hiệu, xây dựng các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nâng cao giá trị cạnh tranh của các sản phẩm được nhiều doanh nghiệp địa phương ngày càng coi trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ cây sachi của một doanh nghiệp ở H.Trảng Bom tại một triển lãm các sản phẩm địa phương của Đồng Nai. Ảnh: L. Phương |
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương vẫn đang gặp khó ở khâu quảng bá, phát triển thương hiệu do nguồn vốn nhỏ chưa đủ sức đầu tư, cũng như thiếu tính định hướng trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh, nhận diện thương hiệu...
* Ngân sách ít ỏi, khó cạnh tranh
Trong lĩnh vực bán lẻ, ngân sách tiếp thị của một số tập đoàn, công ty lớn trong nước hay các công ty đa quốc gia, chi phí quảng cáo được công bố có thể cao đến 20% doanh số bán hàng. Một số công ty sẵn sàng chi cả hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng dành cho kế hoạch phát triển thương hiệu mỗi năm. Điều này cho thấy, các công ty này vừa có nguồn vốn lớn, vừa rất coi trọng hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu.
Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh cho rằng, bên cạnh các kênh quảng bá truyền thống, việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hiện còn hướng tới phát triển trên các kênh thương mại điện tử. Cơ quan chức năng sẽ có các phương án, kế hoạch, khảo sát để lên danh sách các trang thương mại điện tử uy tín, trách nhiệm để thông tin rộng rãi; gắn kết các sản phẩm của các doanh nghiệp trên các trang thương mại điện tử để người tiêu dùng nhận biết. |
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp địa phương, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc dành ra nguồn kinh phí cho hoạt động quảng bá thương hiệu là bài toán vô cùng nan giải.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, đại diện Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân (P.Xuân Tân, TP.Long Khánh) cho hay, hiện nay khâu quảng bá, tiếp thị, phân phối sản phẩm của công ty vẫn chủ yếu phát triển các kênh quảng bá trên mạng xã hội hoặc thông qua các hội chợ, triển lãm... Để cân đối nguồn vốn và lợi nhuận, mức kinh phí dành để tiếp thị sản phẩm của công ty vẫn còn dè dặt, mới chỉ chiếm khoảng 10% so chi phí vận hành, sản xuất của công ty.
Tương tự, bà Huỳnh Thị Nữ, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất các loại hạt điều rang muối, hạt điều bóc vỏ lụa ở H.Cẩm Mỹ cho rằng, do là công ty nhỏ nên nguồn kinh phí dành cho hoạt động quảng cáo sản phẩm còn thấp, chủ yếu là các quảng bá, phân phối sản phẩm thông qua các mối quen...
Trên thực tế, dù muốn đa dạng các kênh quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa không dễ triển khai. Hoạt động giới thiệu sản phẩm vẫn dựa nhiều vào các hoạt động triển lãm, xúc tiến thương mại...
Ông Nguyễn Tiến Chương, Giám đốc Công ty TNHH Gấc Trọng Tín (TP.Long Khánh) cho biết doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ logo cho các sản phẩm của công ty. Một trong những khó khăn của công ty là chi phí dành cho việc truyền thông, quảng bá sản phẩm ngày càng tăng. Hiện nay, công ty vẫn chủ yếu quảng bá sản phẩm trong nước thông qua các kênh truyền thống như: hội chợ, triển lãm…
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai nhận định, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng tới hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Khó khăn lớn nhất là bộ máy nhân sự về marketing của doanh nghiệp còn ít hoặc gần như không có, còn nếu muốn làm truyền thông, quảng cáo thông qua các đơn vị dịch vụ thì chi phí quá lớn.
“Nhiều doanh nghiệp tiết kiệm tối đa nguồn kinh phí dành cho tiếp thị với suy nghĩ “miễn sản xuất ra bán được là mừng rồi”. Chính vì điều này nên nhiều doanh nghiệp sẽ thiếu các kênh phản hồi, đánh giá của khách hàng, dẫn đến việc nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã bị “chậm chân” so với các doanh nghiệp lớn thường xuyên chú trọng vào việc quảng bá, phát triển thương hiệu” - ông Nguyện chia sẻ.
* Cần thêm các cơ chế hỗ trợ
Theo nhiều chuyên gia, việc doanh nghiệp “mạnh tay” chi cho hoạt động marketing, tiếp thị, khuyến mãi là xu hướng phù hợp trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức đeo bám trong cuộc đua đầy tốn kém này, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc đầu tư để phát triển thương hiệu không phải “ngày một, ngày hai” là có thể mang lại kết quả ngay, mà cần có chiến lược dài hơi.
Các doanh nghiệp cần tính toán kỹ kinh phí dành cho tiếp thị, quảng cáo sau khi đã cân nhắc về nguồn lực hiện tại, cũng như liên kết giữa ngân sách quảng cáo các năm trước và các mục tiêu ưu tiên của doanh nghiệp theo từng năm.
Ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết thêm, hiện nay, sản phẩm trà khổ qua rừng túi lọc của công ty đã được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh. Điều này mở ra cơ hội lớn để công ty xây dựng chiến lược phát triển, cũng như đa dạng hóa các kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong tương lai.
Theo ông Châu Minh Nguyện, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc mạng lưới phân phối, quảng bá sản phẩm, thường xuyên tổ chức thêm nhiều hoạt động giao thương xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ở địa phương... Bên cạnh đó, cũng cần có thêm mức ưu đãi dành cho các đơn vị phân phối lớn, chuyên nghiệp để kết nối doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng…
Lam Phương