Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi tập quán sản xuất để tiếp cận thị trường châu Âu

04:03, 19/03/2020

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ký kết vào năm 2019 và được Nghị viện châu Âu thông qua vào trung tuần tháng 2 vừa qua được cho là cơ hội lớn đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam do thuế suất được giảm sâu ngay từ những năm đầu tiên, trong đó, nhiều nông sản sẽ được giảm thuế về 0%.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ký kết vào năm 2019 và được Nghị viện châu Âu thông qua vào trung tuần tháng 2 vừa qua được cho là cơ hội lớn đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam do thuế suất được giảm sâu ngay từ những năm đầu tiên, trong đó, nhiều nông sản sẽ được giảm thuế về 0%.

Trái xoài có cơ hội lớn xuất khẩu vào thị trường EU nếu đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Trong ảnh: Khu trưng bày giới thiệu trái xoài của Việt Nam tại hội chợ quốc tế về công nghệ sản xuất, chế biến rau, hoa, quả (HortEx Việt Nam) tại TP.HCM. Ảnh:B.Nguyên
Trái xoài có cơ hội lớn xuất khẩu vào thị trường EU nếu đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Trong ảnh: Khu trưng bày giới thiệu trái xoài của Việt Nam tại hội chợ quốc tế về công nghệ sản xuất, chế biến rau, hoa, quả (HortEx Việt Nam) tại TP.HCM. Ảnh:B.Nguyên

Theo dự báo của Bộ Công thương, hiệp định này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Ngoài các sản phẩm đã xuất khẩu tốt vào thị trường EU như tiêu, điều, cà phê... thì cơ hội xuất khẩu các mặt hàng trái cây, rau củ quả vào thị trường trên còn rất lớn.

* Tìm cơ hội mở rộng thị trường mới

Dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Để giải bài toán khó đầu ra bền vững, nông sản Việt phải thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường lớn là Trung Quốc và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang nhiều nước khác. Trong đó, EU là một trong những thị trường giàu tiềm năng xuất khẩu nông sản với 508 triệu dân.

Ông Lê Thành Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, EU là thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu cao các loại trái cây, rau củ, đặc biệt là rau gia vị. Hiện các sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu đang được các doanh nghiệp khai thác khá tốt tại thị trường này. Tuy nhiên, với các sản phẩm rau quả tươi để xuất khẩu vào được EU, doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm khá khắt khe, nhất là mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. EU sẵn sàng trả giá cao hơn các thị trường khác để nhập khẩu nông sản chất lượng nhưng khó khăn không nhỏ là thị trường này đòi hỏi ngày càng cao, tần suất giám sát, kiểm tra cũng cao hơn về các tiêu chuẩn chất lượng, nếu không đáp ứng chúng ta sẽ mất cơ hội ở thị trường giàu tiềm năng này.

Ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam chia sẻ, giữa Việt Nam và Hà Lan có mối quan hệ mật thiết, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, vì đã ký thỏa thuận về nông nghiệp từ năm 2014. Năm 2019, hai nước có ký hợp tác phát triển về nông nghiệp sông Mê Kông. Thị trường EU nói chung và Hà Lan nói riêng có nhu cầu rất lớn về các loại trái cây tươi nhiệt đới và qua chế biến. Đây là cơ hội tốt của nông sản Việt nếu khắc phục được các điểm yếu là chưa xây dựng được chuỗi sản xuất sạch. Doanh nghiệp Hà Lan mong muốn đến đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong xây dựng chuỗi nông sản an toàn, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long khá giống Hà Lan về dân số, số tỉnh và tiềm năng phát triển nông nghiệp còn lớn.

Cùng quan điểm, bà Mirijam Boekestijin, Giám đốc dự án Thực phẩm quốc tế Kenlog B.V. (Hà Lan) cho rằng, việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần vào sự phát triển cho nông nghiệp cả hai nước. Hiện nông sản GlobalGAP đã đạt chuẩn xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, nông dân Việt Nam không nên nhìn GlobalGAP như một gánh nặng mà nhìn dưới góc độ  hỗ trợ, nó rất có ích và đem lại nhiều lợi ích khác từ trong quy trình sản xuất đến việc mở rộng thị trường. Ngoài ra, yếu tố xã hội cũng được thị trường này xem trọng.

* Thay đổi từ sản xuất

Để nông sản Việt Nam vào được thị trường khó tính là EU, nông dân phải thay đổi từ khâu sản xuất đạt chuẩn cao về an toàn và chất lượng. Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) cho biết, rau, quả của doanh nghiệp được trồng trong nhà màng với công nghệ hiện đại và đã có chứng nhận GlobalGAP. Hiện doanh nghiệp đang làm việc với nhiều đối tác, dự kiến trong năm 2020, nhiều sản phẩm rau, quả của trang trại sẽ xuất khẩu vào thị trường khó tính EU.

Ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice (vốn đầu tư Hà Lan, trụ sở tại tỉnh Bình Dương, có dự án cánh đồng lớn cây tiêu tại Đồng Nai) cũng cho rằng, trong tình hình các mặt hàng tiêu, cà phê... trên thị trường thế giới có nguồn cung vượt cầu, để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là vào thị trường khó tính EU, chất lượng là yếu tố quyết định trong cạnh tranh. Tuy nhiên, hồ tiêu Việt yếu thế trong xuất khẩu vì tiếng xấu về nhiễm chất cấm nên chủ yếu chỉ xuất được vào các nước, khu vực dễ tính nên thường có giá thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới. “Để tăng sức cạnh tranh khi tham gia xuất khẩu, cần thay đổi từ cái gốc sản xuất sạch, an toàn” - ông Lâm nói. 

Góp ý khắc phục những hạn chế để đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản vào EU, ông Bùi Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV khoa học công nghệ Hoàn Vũ (Q.Tân Phú, TP.HCM) nhận xét, ngoài chất lượng thì khâu bảo quản yếu đang là rào cản lớn nhất trong việc xuất khẩu trái cây tươi vào EU. Ông Hoàng so sánh, hiện 90% sản lượng thanh long của Việt Nam không có chất lượng cao, chỉ khoảng 10% đủ chuẩn xuất khẩu vào EU và các thị trường khó tính khác. Mặt khác, 1kg thanh long bán lẻ ở thị trường EU hiện lên đến 12 USD do khâu bảo quản yếu, tỷ lệ trái cây tươi bị hư hao lớn, thời gian bày trái thanh long trên kệ hàng bán lẻ đến tay khách hàng chỉ được vài ngày. Theo ông Hoàng: “Nếu khâu bảo quản tốt thì người tiêu dùng châu Âu tiêu thụ trái thanh long hiện không chỉ dừng ở mức dưới 10% như hiện nay mà có thể tăng lên gấp nhiều lần”.              

Bình Nguyên

Tin xem nhiều