Từ đầu tháng 2-2020, ngành vận tải cả nước cũng như Đồng Nai bắt đầu hứng chịu thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm vận chuyển hành khách.
Từ đầu tháng 2-2020, ngành vận tải cả nước cũng như Đồng Nai bắt đầu hứng chịu thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải đã giảm công suất từ 40-90%. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm DN vận chuyển hành khách.
Nhiều tuyến xe buýt vắng vẻ vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19, khách ngại đi lại. Ảnh chụp tại Bến xe Biên Hòa. Ảnh: H.Giang |
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đến giữa tháng 3-2020, có khoảng 182 DN đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 phải giảm sản xuất. Trong đó, có 4 DN đã tạm ngưng sản xuất. Nguyên nhân là do thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu đơn hàng. Sản xuất công nghiệp giảm kéo theo ngành vận tải hàng hóa cũng chịu tác động lớn.
* Vận chuyển hành khách giảm 50-90%
Ngành vận tải chia làm 2 lĩnh vực chủ yếu, gồm vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa. Trong đó, tính đến thời điểm này, vận chuyển hành khách đang chịu tác động sớm và sâu sắc hơn.
Các DN, HTX kinh doanh xe khách chạy tuyến cố định, hợp đồng, xe buýt cho hay, lượng khách đi lại trên toàn bộ các tuyến đường đã giảm từ 50-90%. Cụ thể, xe chạy hợp đồng cho các công ty du lịch, khách đi sân bay, khách đi chơi theo nhóm, gia đình chỉ còn 10-20% so với khi chưa xảy ra dịch Covid-19.
Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hoàng Hà (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty có gần 100 xe ô tô lớn, nhỏ chuyên vận chuyển khách theo hợp đồng với các DN (đưa rước cán bộ, công nhân), chạy các tuyến cố định, đưa đón khách du lịch. Hiện chỉ có mảng vận chuyển người lao động cho các công ty hoạt động tạm ổn, giảm nhẹ, các tuyến chạy cố định giảm 50%, hợp đồng chạy cho các công ty du lịch gần như tê liệt”.
Lượng hành khách đi lại giảm mạnh khiến các DN vận tải điêu đứng, đối mặt với nhiều khó khăn như: doanh thu thấp, không đủ để chi trả lương cho người lao động, không đủ chi phí trả lãi ngân hàng nên phải bù lỗ. Với tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và diễn biến phức tạp, học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học, nhu cầu đi lại thấp... thì dự kiến các DN vận chuyển hành khách còn đối mặt với tình trạng khó khăn này đến hết năm.
Ông Nguyễn Anh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH du lịch thương mại dịch vụ Kỳ Nghỉ Việt (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, xe vận chuyển khách đi du lịch theo hợp đồng của công ty đã giảm 90%. Nguyên nhân vì dịch Covid-19, hầu hết người dân hủy hết các chuyến đi chơi gần, xa. Do đó, các DN vận chuyển khách du lịch, hợp đồng gần như chỉ hoạt động cầm chừng, đợi qua mùa dịch”.
Vận tải hàng hóa chịu nhiều thiệt hại
Lĩnh vực vận tải hàng hóa chịu tác động của dịch Covid-19 chậm hơn so với vận chuyển hành khách, từ cuối tháng 2-2020, các DN mới bắt đầu chịu thiệt hại từ việc suy giảm các đơn hàng. Dự kiến nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến cuối quý II năm nay, thiệt hại của các DN vận tải hàng hóa còn tiếp tục tăng lên.
Ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai nói: “DN của tôi cũng như nhiều DN vận tải hàng hóa khác trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn vì đơn hàng đã giảm 40-50% so với trước đây. Hiện các DN trên lĩnh vực này đang phải cầm cự đợi qua dịch, bởi sản xuất công nghiệp suy giảm, ngành vận tải hàng hóa sẽ gánh chịu hậu quả”.
Hiện đang là thời điểm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng như trên thế giới, dịch bệnh đã kéo theo suy giảm kinh tế toàn cầu. Nhiều nước phải đối mặt với thiếu nguyên liệu sản xuất và chưa có giải pháp tháo gỡ, vì những nơi cung cấp nguyên liệu lớn nhất cho ngành công nghiệp toàn cầu là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đang trong tâm dịch, các nhà máy tạm ngừng hoặc giảm công suất.
Theo ông Trần Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH Lục Phát, Chi hội trưởng Chi hội Vận tải hàng hóa và logistics Đồng Nai, hơn 15 năm hoạt động trên lĩnh vực vận tải hàng hóa, chưa khi nào các DN ngành này lại phải đối mặt với khủng hoảng lớn như vậy. Các xe ô tô phải nằm bãi vì thiếu hàng vận chuyển chiếm hơn 50%. Tình hình trên còn tiếp diễn và sẽ ngày càng khó khăn hơn nếu dịch Covid-19 trên thế giới chưa được khống chế.
Các chuyên gia về kinh tế đánh giá, tháng 3 này kinh tế cả nước đối mặt với hàng loạt suy giảm từ rất nhiều lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ, vận tải...
Hương Giang